Khi đo điện tâm đồ thì thấy các chỉ số bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ đã kiểm tra thêm các chỉ số khác và phát hiện ra, anh Xu có cơn nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ là khẩn trương thực hiện phẫu thuật để thông mạch máu bị tắc. Do được phát hiện kịp thời nên mạch máu đã hết tắc nghẽn, vùng hoại tử cơ tim cũng được giảm thiểu.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt nên đã hồi phục thành công và xuất viện.
Chen Manhua, Giám đốc Khoa Tim mạch Bệnh viện Trung ương Vũ Hán (Trung Quốc), cho biết, mặc dù troponin là chỉ số tốt nhất để phát hiện hoại tử cơ tim nhưng một số bệnh nhân lại khởi phát cấp tính nên chỉ số này không thể phản ánh được trong thời gian ngắn và có thể không chẩn đoán được nhồi máu cơ tim. Vì vậy, các bác sĩ phải phân tích và phán đoán toàn diện dựa trên tình trạng của bệnh nhân, đồng thời phải kiểm tra nhiều lần chỉ số này đối với những bệnh nhân đau ngực, nghi ngờ nhồi máu cơ tim để tránh bỏ sót chẩn đoán.
Đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tính, thời gian quyết định mạng sống, thông mạch càng sớm thì tỷ lệ sống sót càng cao. Nếu cấp cứu không kịp thời, vùng hoại tử cơ tim rộng sẽ xảy ra suy tim, rối loạn nhịp tim ác tính, vỡ tim, thậm chí đột tử. Trước khi phát bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thường có các triệu chứng bất thường như tức ngực, đau ngực, hồi hộp sau khi hoạt động. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không chú ý đến và mãi đến sau khi bị nhồi máu cơ tim cấp mới đến bệnh viện. Như vậy rất nguy hiểm và khó cứu chữa.
Các chuyên gia nhắc nhở, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa sáng và tối rất lớn, dễ gây ra các bệnh về tim mạch. Bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh, tránh thức khuya, mệt mỏi, bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu; mặc thêm quần áo kịp thời theo sự thay đổi nhiệt độ để tránh bị cảm lạnh. Nếu đột nhiên tức ngực, đau ngực và các triệu chứng khó chịu khác, bạn nên đi khám bác sĩ, để tránh trì hoãn cơ hội điều trị tốt nhất.
Thùy Trang (Theo Sohu)