Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) vừa điều trị cho một trường hợp mắc sốt xuất huyết có tiểu cầu hạ về 0 cực kỳ hiếm gặp.
Bệnh nhân là ông N.Đ.T, 57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Trước khi vào viện một tuần, bệnh nhân thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt 39 độ C.
(Ảnh minh họa).
Đáng chú ý, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện tiểu cầu của ông T. về mức 0 (không đo được). Ông T. được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Ngay sau khi nhập viện, ông T. được nhanh chóng truyền tiểu cầu kèm theo truyền dịch, dùng thuốc cầm máu, dùng thuốc bổ gan (bệnh nhân có bệnh nền về gan).
Sau gần một tuần điều trị, tiểu cầu của ông T. về mức bình thường:146G/L, tình trạng sức khỏe ổn định nên được xuất viện.
Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có giảm tiểu cầu, thường xảy ra từ ngày thứ 4-7 của bệnh (giai đoạn nguy hiểm).
Đối với bệnh sốt xuất huyết, trong những ngày đầu (thường là 4 ngày đầu), người bệnh có thể được chỉ định truyền dịch. Đến khi bệnh nhân bắt đầu bước vào trạng thái thoát dịch, tăng tính thấm thành mạch, lúc này, truyền dịch không kiểm soát có thể gây tràn dịch màng phổi, tim, bụng dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn. Việc tự ý truyền nước làm nặng thêm quá trình bệnh.
Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và nghe tư vấn của bác sĩ nếu muốn truyền dịch, không tự ý truyền tại nhà.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 19 quận, huyện…
Dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao do đang là cao điểm mùa dịch diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.
DIỆU THU