Trong những năm gần đây, nhiều người bắt đầu nhận thức được sự nguy hiểm của béo phì, như gây ra gan nhiễm mỡ, tiểu đường, tim mạch và mạch máu não. Vì vậy, họ bắt đầu kiểm soát chế độ ăn uống của mình tốt hơn. Một số người bắt đầu chọn cách không ăn sau bữa trưa, nhịn bữa tối vì như thế có thể khiến họ gầy đi rất nhanh.
Tuy nhiên, liệu việc nhịn ăn tốt có thực sự tốt hay không, câu chuyện dưới đây sẽ đưa ra đáp án.
Người đàn ông bỏ bữa tối để hạ mỡ máu
Ông Lưu (62 tuổi) ở Trung Quốc, cách đây 6 tháng được con trai đưa đi khám sức khỏe thì phát hiện bị xơ vữa động mạch cảnh và tăng mỡ máu. Từ đó tới nay, ngoài việc uống thuốc theo chỉ định, ông còn thử nhiều phương pháp giúp hạ mỡ máu, làm mềm mạch máu.
Trong một lần trò chuyện với bạn cũ, người này nói với ông Lưu rằng: “Mỡ máu cao có nghĩa là cơ thể quá dư thừa chất dinh dưỡng. Muốn giảm mỡ và mảng xơ vữa trong mạch máu thì nên ăn ít lại, nhất là bữa tối”.
Ban đầu, ông Lưu hoài nghi về điều này nên không dám thử. Sau đó, ông tình cờ đọc thấy một bài báo trên mạng nói về việc “ăn tối có hại cho cơ thể như thế nào”. Trong bài báo có viết rằng: “Ăn tối sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, tăng đường huyết và lipid máu, gây xơ cứng động mạch, hình thành cục máu đông, có thể tổn thương tim và não”.
Ảnh minh họa.
Để bảo vệ mạch máu của mình, ông Lưu quyết định không ăn tối.
Đã nửa năm trôi qua, ông Lưu quyết định tới bệnh viện kiểm tra lại tình hình sức khỏe của mình như thế nào. Tuy nhiên, kết quả tái khám khiến ông bất ngờ, tình trạng xơ cứng động mạch không cải thiện, chỉ số mỡ máu tăng thay vì giảm, phát hiện có loét dạ dày.
Bác sĩ rất ngạc nhiên trước kết quả này, sau khi hỏi kỹ mới hiểu ra nguyên nhân.
Hóa ra vì không ăn tối nên ban ngày ông rất đói và ăn cực kỳ nhiều. Bữa sáng ông thường ăn 4,5 cái bánh bao lớn, bữa trưa ít nhất 3 bát cơm, buổi chiều thêm bát mì lót bụng.
Bác sĩ nói rằng, mặc dù ông Lưu không ăn tối nhưng trong ngày lại ăn rất nhiều, phần lớn là thực phẩm chứa nhiều tinh bột, không có lợi cho việc kiểm soát mỡ máu.
Ngoài ra, vì quá no vào ban ngày và quá đói vào ban đêm, việc ăn uống không điều độ như vậy khiến ông Lưu bị thêm bệnh loét dạ dày.
Trên thực tế, người trung niên và người già không ăn tối trong thời gian dài sẽ gây hại cho cơ thể, có thể gây ra các bệnh về dạ dày, suy dinh dưỡng và các bệnh khác. Đồng thời, nó còn ảnh hưởng đến giấc ngủ và suy giảm khả năng miễn dịch.
Cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe không phải bỏ bữa tối mà chú ý tới việc mình ăn gì và nên ăn bao nhiêu.
Nghiên cứu Mỹ: Bữa tối liên quan mật thiết tới tuổi thọ
Tháng 12/2022, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí về Bệnh tiểu đường ở Mỹ cho thấy bữa tối có liên quan chặt chẽ đến tuổi thọ. Ăn nhiều carbohydrate chất lượng thấp trong bữa tối sẽ làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tiểu đường gây ra.
Thay thế carbohydrate thấp bằng carbohydrate chất lượng cao vào bữa tối giúp giảm nguy cơ tử vong do tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân lần lượt là 25% và 19%.
- Carbohydrate chất lượng cao: Ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, mì soba, v.v.), khoai tây, rau tươi, trái cây.
- Carbohydrate chất lượng thấp: Đường, ngũ cốc tinh chế (gạo trắng, bột mì trắng, bánh mì trắng…) dễ gây phản ứng insulin và khiến lượng đường trong máu tăng nhanh.
Bữa tối nên ăn như thế nào mới bảo vệ sức khỏe?
1. Ăn gì?
- Yến mạch, đậu đỏ, khoai lang và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác và các loại đậu khác.
- Cải bó xôi, hạt cải dầu, cà chua, đặc biệt là các loại rau sẫm màu.
- Các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, váng đậu.
- Thịt có hàm lượng đạm cao, ít béo như thịt bò nạc, cá hấp, tôm luộc.
- Hạn chế các loại thực phẩm như cơm trắng, bánh mì trắng, bánh bao, bánh ngọt, nước ngọt, các loại thịt nhiều mỡ, thịt chế biến sẵn.
2. Ăn bao nhiêu?
Bữa tối bạn nên ăn no khoảng 70 – 80%, không có cảm giác bụng căng phồng, nặng nề, cảm giác thèm ăn đã giảm bớt, chỉ muốn ăn nhiều hơn theo thói quen.
3. Chú ý điều gì?
Cố gắng ăn tối trước khi đi ngủ hơn 3 tiếng. Ví dụ, đi ngủ lúc 11 giờ thì bữa tối nên trước 8 giờ, để cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa thức ăn, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ. .
Để kiểm soát lượng đường trong máu, trước tiên bạn nên uống nước canh, sau đó ăn rau, thịt và cuối cùng là thực phẩm chủ yếu chứa carbohydrate.
Mỗi bữa ăn nên có rau, đặc biệt là các loại rau có lá sẫm màu như mồng tơi, cải dầu, bắp cải tím và nên ăn nhiều loại trái cây, không thể thay thế rau và trái cây cho nhau.
Mỗi ngày ăn 120-150 gam thịt động vật, trong đó có 40-50 gam cá, 40-50 gam thịt gia súc, gia cầm và 40-50 gam trứng, nên ăn đa dạng các loại thịt.
Mỗi ngày uống 300-400ml sữa hoặc các sản phẩm từ sữa có hàm lượng protein tương đương, đồng thời ăn 15 gam đậu nành hoặc các sản phẩm từ đậu tương cùng hàm lượng mỗi ngày.
Theo từng người mà gia giảm khẩu phần ăn, hạn chế thực phẩm không cần thiết.
Phan Hằng (Theo Touliao)