Lạm phát cao hiện là một vấn đề chính trị đau đầu đối với Nhà Trắng và Tổng thống Joe Biden, "bào mòn" túi tiền của các hộ gia đình tại Mỹ. Lương thực tế tính đến lạm phát đã giảm 0,6% trong tháng 4, mặc dù thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0,3%. Trên cơ sở 12 tháng, thu nhập trung bình hàng giờ thực tế của người lao động Mỹ sụt giảm 3%. Các thị trường đã phản ứng tiêu cực với lạm phát, hợp đồng tương lai giảm mạnh trên Phố Wall trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên.
Theo CNBC, các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng nguyên nhân lạm phát phần lớn do các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19, sự mất cân bằng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá nguồn cung và tác động từ xung đột Nga - Ukraine.
Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ nỗ lực cải thiện hơn nữa đối với chuỗi cung ứng và giảm thâm hụt ngân sách, theo Wall Street Journal. Tuy nhiên, cả ông và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đều nhấn mạnh phần lớn trách nhiệm trong việc giảm lạm phát thuộc về Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Vũ khí hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc chiến chống lạm phát tăng vọt hiện nay chính là nâng lãi suất. Vào tháng 3 vừa qua, FED đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, đây là lần tăng lãi suất cơ bản đầu tiên trong vòng 3 năm. Đến cuộc họp tháng 5, ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,5%.
Cho đến tháng 6, ngân hàng này thậm chí còn mạnh tay hơn với quyết định nâng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. FED đang cảnh báo về khả năng tăng lãi suất nhiều hơn nữa, trong nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” nhu cầu tiêu dùng và giảm lạm phát hiện đã ở mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Việc FED nâng lãi suất cơ bản khiến lãi suất thẻ tín dụng, các khoản vay mua nhà và ô tô cao hơn,.. người dân sẽ khó khăn hơn trong việc đi vay. Tuy nhiên, việc FED nâng lãi suất cơ bản không phải hoàn toàn là một tin xấu, nó có thể giúp những người gửi tiết kiệm hưởng lợi.
Ông Greg McBride, trưởng bộ phận phân tích tài chính của công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate, chia sẻ với hãng tin ABC News: “Lãi suất tăng là điều tích cực đối với những người gửi tiết kiệm, bởi họ sẽ thu được nhiều tiền hơn nhờ lãi suất, cuối cùng mức lãi suất cao hơn đó sẽ giúp giảm lạm phát”; "Điều này ngược lại với những gì người gửi tiết kiệm đã trải qua trong suốt 3 năm khi lãi suất giảm và sau đó lạm phát tăng".
Theo Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), vào giai đoạn đầu của đại dịch khi FED cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế, lãi suất trung bình cho một tài khoản tiết kiệm thông thường ở mức khoảng 0,06%. Hiện tại, việc FED nâng lãi suất cơ bản đã khuyến khích các ngân hàng khác bắt đầu làm theo.
Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh lãi suất của FED chỉ là một trong số những yếu tố mà các ngân hàng xem xét khi thiết lập lãi suất. Các ngân hàng còn phải tính đến lượng tiền gửi của khách hàng và mức lãi suất của những ngân hàng đối thủ.
Một số ngân hàng đặc biệt là ngân hàng trực tuyến đang bắt đầu đưa ra mức lãi suất tiết kiệm từ 1% trở lên. Mức lãi suất tại các ngân hàng là không giống nhau, do đó chuyên gia tài chính McBride khuyến cáo người dân nên so sánh và cân nhắc chuyển đổi ngân hàng để tận dụng lợi thế của đợt tăng tỉ giá mới nhất.
Ông McBride chia sẻ: “Các ngân hàng trực tuyến, ngân hàng cộng đồng nhỏ hơn và liên minh tín dụng thường cho lợi suất cao hơn so với các ngân hàng lớn vốn đã có rất nhiều tiền gửi”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất thêm 1,75% nữa từ nay đến cuối năm để đưa lạm phát giảm từ mức 8,6% hiện tại xuống mức mục tiêu 2%. Theo hãng tin ABC News, các chuyên gia nhận định nếu FED mạnh tay như dự báo thì lãi suất các khoản tiết kiệm trực tuyến có thể tăng tới 3% vào cuối năm nay.
Ngoài các tài khoản tiết kiệm có lợi suất cao, ông McBride gợi ý nếu người dân muốn giữ tiền của mình trong thời gian kéo dài vài năm thì có thể cân nhắc đến chứng chỉ tiền gửi hoặc trái phiếu lạm phát (I-bond) vốn cũng đang có lãi suất tăng, sẽ phù hợp hơn với mục tiêu tài chính.
Ông McBride nói: “Bạn cần xem xét về thời điểm cần tiền để lựa chọn kênh tiết kiệm phù hợp. Đừng chỉ theo đuổi lợi nhuận mà chọn một kênh không phù hợp với nhu cầu thanh khoản”. Theo ABC News, các chuyên gia cho rằng dù chọn kênh nào để giữ tiền thì người dân cũng cần đảm bảo rằng mình đang giao dịch trực tiếp với một tổ chức tài chính được liên bang bảo hiểm.
Phạm Hà Thanh (theo ABC News, CNBC)