Tào Tháo với quan niệm dùng người tài dựng đại nghiệp, ông luôn tỏ lòng ngưỡng mộ với các nhân tài, vì nhân tài mà rơi lệ. Tào Tháo đã từng khóc khi các mưu sĩ, tướng lĩnh của mình qua đời như Điển Vi, Tuân Du, Quách Gia, Bàng Đức… trong đó Quách Gia là người khiến Tào Tháo nhiều lần rơi lệ, ngay cả lúc mưu sĩ này còn sống hay khi đã qua đời.
Lần đầu tiên Tào Tháo khóc thương Quách Gia là sự kiện Tào Tháo nghe theo kiến nghị của Quách Gia, đưa đại quân viễn chinh sa mạc Liêu Tây, trên đường đi gió cát mù mịt, người ngựa di chuyển cực kỳ khó khăn, Quách Gia vì không hợp khí hậu địa hình mà ngã bệnh, Tào Tháo vô cùng đau lòng, đi đến thăm bệnh, rơi lệ nói rằng: “Vì ta muốn chiếm sa mạc, khiến ông đi xa gian nan, dẫn đến nhiễm bệnh, sao ta an lòng được?”. Mấy câu nói quan tâm và yêu thương này khiến Quách Gia rất cảm động, Quách Gia nói: “Quách mỗ cảm tạ đại ân của thừa tướng, có chết cũng không báo đáp được một phần vạn”.
Sau khi Quách Gia chết, Tào Tháo đến cúng tế, khóc thương nói rằng: “Phụng Hiếu chết, là nỗi buồn lớn nhất”, rồi quay ra với các quan: “Tuổi của các ông, đều bằng với ta, chỉ có Phụng Hiếu nhỏ nhất, ta muốn phó thác hậu sự (cho Phụng Hiếu). Không ngờ trung niên chết trẻ, khiến lòng dạ ta tan nát!”. Đây là lần thứ hai Tào Tháo khóc thương Quách Gia, mất đi một nhân tài kiệt xuất như Quách Gia, Tào Tháo thực sự vô cùng thương tiếc và đau buồn.
Lần thứ ba khóc thương Quách Gia là sau trận chiến Xích Bích. Năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Tào Tháo thống lĩnh trăm vạn đại quân thủy lục, quyết tâm trận này tiêu diệt Lưu Bị và Tôn Quyền ở Giang Đông, thống nhất thiên hạ, không ngờ kết quả chịu bại trận tại Xích Bích, gần như chết hết toàn quân.
Trong Tam quốc diễn nghĩa mô tả sau thất bại trong trận Xích Bích, Tào Tháo ngửa mặt lên trời khóc thương nói: “Nếu Phụng Hiếu còn, ta đâu đến nỗi này”. Việc Tào Tháo nhắc đến cái chết của Quách Gia khiến các mưu sĩ đều im lặng hổ thẹn.
Quách Gia (170-207) tự Phụng Hiếu, như nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, cũng có những điểm hư cấu so với lịch sử, song mức độ hư cấu không nhiều. Đó quả thật là một vị quân sư có thể “ngồi trong màn trướng quyết việc thắng bại ngoài ngàn dặm”.
Quách Gia vốn người Dương Địch, Dĩnh Xuyên (nay là Ngu Huyện, Hà Nam). Tuổi trẻ ôm chí lớn, khổ học đợi rồng mây, Quách Gia ít giao du với người thế tục, bình tĩnh chờ thời cơ, để mắt tìm chân chủ. Hành tung ấy, xét ra cũng không khác Gia Cát Lượng là mấy.
Quách Gia đến với Tào Tháo đúng là do Tuân Úc giới thiệu, nhưng là để lấp chỗ trống của một mưu sĩ người Dĩnh Xuyên khác là Hí Chí Tài, đã chẳng may chết sớm. Tuy nhiên, đàm luận một buổi với Quách Gia đã khiến Tào Tháo phải thốt lên: “Đây sẽ là người giúp ta nên nghiệp lớn”.
Quả đúng như vậy, trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, Quách Gia đã để lại sự nghiệp huy hoàng. Khi 28 tuổi, ông giữ chức Tư không Quân tế tửu tương đương chức Đại đô đốc của Chu Du và Quân sư Trung lang tướng của Gia Cát Lượng bấy giờ.
Trong 11 năm phục vụ cho họ Tào Thào, tài năng của Quách Gia đã giúp nhiều cho Tào Tháo trong các chiến thắng trước các lãnh chúa kẻ thù như Lã Bố và Viên Thiệu, cũng như thủ lĩnh của bộ lạc Ô Hoàn là Đạp Đốn, giúp Tào Tháo thống nhất phương Bắc. Chính vì thế, ông là một trong những bộ hạ được tin tưởng và yêu quý nhất của Tào Tháo. Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất thời Tam quốc và cả xuyên suốt lịch sử Trung Quốc.
Tài cao như vậy mà không được thọ, 38 tuổi đã lìa đời, khiến Tào Tháo cũng phải đau đớn vì “không còn ai phó thác việc về sau”. Nếu như Quách Gia không mất sớm, hay ít nhất sống thêm vài năm nữa, câu chuyện thời Tam quốc sẽ trở nên hết sức khó đoán.
Quốc Tiệp (t/h)