Bên cạnh các yếu tố phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, trước thực tế tỉ lệ ca mắc cao như hiện nay, người dân và các chuyên gia cũng rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe giai đoạn hậu Covid.
Sáng nay (8/1), các bác sĩ, thầy cô của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra những khuyến nghị cho các bệnh nhân sau khi khỏi bệnh trong buổi tọa đàm chăm sóc sức khỏe toàn diện hậu Covid-19.
Để hiểu rõ hơn về giai đoạn hậu Covid-19 diễn ra khi nào, các chuyên gia tại buổi thảo luận đã chỉ rõ. Trong y khoa, giai đoạn nhiễm Covid-19 cấp tính kéo dài khoảng 4 tuần.
Sau giai đoạn trên là thời gian Covid-19 kéo dài bao gồm tất cả những dấu hiệu, triệu chứng liên quan đến bệnh, diễn ra từ tuần 4 đến tuần 12.
Cuối cùng, hội chứng sau Covid-19 kéo dài sau 12 tuần.
Bác sĩ gia đình đóng vai trò quan trọng
Ths.BS.Trần Thị Hoa Vi, giảng viên bộ môn y học gia đình, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra những lưu ý tổng quát về chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.
Việc chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện nói chung là hoạt động của các bác sĩ gia đình. Ở đây chuyên gia đánh giá rằng, đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe toàn diện nói chung và chăm sóc bệnh nhân hậu Covid-19 nói riêng.
Lý do là bởi, theo bà Hoa Vi: “Bác sĩ gia đình là người chăm sóc sức khỏe ban đầu, là người đầu tiên mà bệnh nhân liên hệ, chăm sóc tổng quát và toàn diện, liên tục, liên kết với các chuyên khoa khác khi cần.
Đối với những người bị nhiễm Covid đã được theo dõi bởi các bác sĩ trước đó, sẽ giúp có hướng điều trị tốt hơn”.
Việc chăm sóc các vấn đề sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19 được các chuyên gia chú trọng, bởi thực tế bệnh nhân vẫn còn rất nhiều các hội chứng sau khi khỏi bệnh.
Ở đây, bác sĩ Trần Thị Hoa Vi đề cao vai trò của các bác sĩ gia đình trong việc chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt đối với những trường hợp đã được bác sĩ nhà đình quản lý trước đó sẽ được đánh giá toàn diện hơn về mặt sức khỏe.
Về phía đội ngũ y tế, “Người bác sĩ khi đến thăm khác bệnh nhân sau ở giai đoạn sau khi nhiễm Covid-19 cần chú ý đánh giá những bệnh nền đã có sẵn của bệnh nhân (huyết áp, tiểu đường, ung thư, cơ xương khớp), đánh giá mức độ nặng khi nhiễm bệnh.
Đánh giá sức khỏe thể chất, xem xét những tổn thương thực thể (tổn thương cụ thể), tổn thương chức năng, suy giảm chất lượng cuộc sống để có những phương hướng điều trị”, bà Hoa Vi chia sẻ.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần, tổn thương tâm lý của bệnh nhân, bởi đa phần các bệnh nhân Covid-19 đều rất hoang mang lo lắng, kiệt sức khi làm việc.
Tự chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng
Tổn thương Covid-19 là tổn thương đa cơ quan, có những tổn thương cần dùng thuốc và can thiệp sâu. Nhưng ngoài ra, có một số triệu chứng có thể chữa khỏi thông qua tập luyện và chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là có sự chuẩn bị về thể chất từ trước.
Sau khi phục hồi sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân nên tập thể dục phù hợp với thể trạng như tạ tay, tập với dây thun, ngồi xổm, bài tập thăng bằng.
Ngoài ra, TS.BS.Trần Quốc Cường, bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có những chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho nhóm đối tượng sau khi đã khỏi bệnh.
Ông Cường cho biết: “Mục tiêu điều trị về mặt dinh dưỡng cần phụ thuộc vào tình hình người bệnh để từ đó điều chỉnh lại cân nặng, cải thiện khối cơ, điều trị tình trạng thiếu máu, vitamin, khoáng chất”.
Dưới góc độ dinh dưỡng, chuyên gia nhấn mạnh việc mỗi người phải tự kiểm soát cân nặng của bản thân. Nguyên nhân là do, phần lớn các ca bệnh béo phì khi nhiễm vi-rút rất dễ chuyển nặng và tỉ lệ tử vong cao. Việc thừa cân béo phì ảnh hưởng rất lớn khi mắc bệnh.
Các bác sĩ khi điều trị bệnh cũng cần đảm bảo nguyên tắc đánh giá cân nặng, chiều cao, chế độ ăn, tình trạng thiếu máu, thiếu vi chất của cơ thể bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Quốc Cường thông tin thêm: “Ngoài vắc-xin và tuân thủ các nguyên tắc về 5K, về mặt dinh dưỡng cũng có vai trò tác động để làm giảm nguy cơ mắc Covid-19”.
Ở đây, chuyên gia khuyến nghị người dân cần ăn uống lành mạnh, cân đối, tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng, tinh thần thoải mái, bổ sung các vi chất.
Các bác sĩ cũng đưa ra những triệu chứng bệnh nhân thường gặp sau khi đã khỏi bệnh:
Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, đau nhức cơ,
Triệu chứng liên quan đến đường hô hấp: khó thở, ho
Tim mạch: đau ngực, trống ngực.
Tiêu hóa: đau bụng, rối loạn hệ tiêu hóa, rối loạn ruột.
Thần kinh: giảm tập trung, giảm trí nhớ, mất mùi vị, đau đầu.