Vẻ đẹp thơ mộng ở buôn Jun
Không chỉ tập trung bảo tồn và gìn giữ, đồng bào dân tộc M’Nông tại buôn Jun (thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) còn biến những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Qua đó, không chỉ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn giúp gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

Buôn Jun được bao bọc bởi hồ Lắk - hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn nhất khu vực Tây Nguyên.
Có mặt tại buôn Jun, chúng tôi không khỏi thích thú trước vẻ đẹp của những chú voi đang chậm rãi bước trên các con đường quanh hồ Lắk.
Theo lời kể của những người lớn tuổi trong buôn, trước đây khi rừng núi rậm rạp và không có phương tiện vận chuyển nên các gia đình trong mỗi dòng họ M’Nông đã đóng góp từ 15-20 con trâu hoặc bò để đổi lấy một con voi. Sau khi đưa về, voi không chỉ là tài sản quý giá mà còn trở thành một thành viên trong gia đình, được làm lễ đặt tên trang trọng. Hàng năm, người M’Nông còn làm lễ cúng sức khỏe cho voi.
Trước đây, những chú voi đã giúp đồng bào M’Nông kéo gỗ từ rừng về, dựng lên những căn nhà dài truyền thống. Đồng thời, voi còn được người dân trong buôn sử dụng để vận chuyển nông sản. Theo thời gian, số lượng voi lớn tuổi và qua đời dần.

Đến buôn Jun, du khách dễ dàng bắt gặp những chú voi.
Hiện nay, buôn còn lại 13 con voi, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch tại địa phương. Người M’Nông đã khéo léo sử dụng các chú voi để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhiều năm trước, khi đến buôn Jun, du khách có cơ hội trải nghiệm ngao du trên lưng voi để ngắm buôn làng, tham quan núi rừng Tây Nguyên, hòa mình vào thiên nhiên và tìm hiểu về văn hóa độc đáo của người M’Nông. Đến nay, mô hình này đã được chuyển đổi thành du lịch thân thiện với voi, nhằm bảo vệ sức khỏe và phúc lợi cho những chú voi.
Bên cạnh những chú voi, thuyền độc mộc cũng là tài sản quý, gắn liền với cuộc sống của người M’Nông. Ông Y Rôn Buôn Krông (SN 1968), Bí thư Chi bộ buôn Jun lý giải: "Trước đây, từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, khi nước hồ Lắk dâng cao, người dân phải dùng thuyền độc mộc để đi chăn trâu, làm ruộng, phục vụ sản xuất".

Kiến trúc nhà dài - nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc M'Nông.
Để làm một chiếc thuyền độc mộc, người M’Nông vào rừng tìm kiếm những cây cổ thụ, chủ yếu là gỗ sao. Khi tìm được cây gỗ ưng ý, người dân sẽ dùng rìu chặt một phát vào cây, rồi trở về làm lễ khấn xin thần linh.
Ngày hôm sau, khi quay lại nếu thấy rìu vẫn còn cắm trên cây, người M’Nông sẽ thực hiện nghi lễ cúng xin thần rừng cho phép chặt hạ về làm thuyền. Ngược lại, nếu rìu đã rớt ra, họ cho rằng đó là điềm xui xẻo và không chặt cây rừng đó nữa.
Khi rừng ngày càng khan hiếm, người M’Nông bên hồ Lắk không còn vào rừng lấy gỗ về làm thuyền độc mộc như trước. Hiện nay, trong buôn có gần 20 chiếc thuyền độc mộc trên 50 tuổi, được sử dụng để phục vụ du lịch.
Khi đến đây, du khách có thể chèo thuyền độc mộc ngắm cảnh hồ Lắk thơ mộng, chiêm ngưỡng bình minh và hoàng hôn tại buôn làng đồng bào M’Nông. Hàng năm, lễ hội đua thuyền độc mộc bên hồ Lắk cũng thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương.

Theo ông Y Rôn Buôn Krông, Bí thư Chi bộ buôn Jun, hiện nay người dân trong buôn không ngừng phát huy, biến những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Không chỉ nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp, buôn Jun còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người M’Nông như văn hóa ẩm thực, kiến trúc nhà dài với hơn 60 căn, cùng các lễ hội cúng bến nước, cúng sức khỏe và cúng thần linh. Đặc biệt, người dân nơi đây lưu giữ hơn 70 bộ cồng chiêng, với hai đội chiêng trẻ và một đội chiêng của người lớn tuổi thường xuyên biểu diễn để phục vụ du khách.
Ngoài ra, nhiều người dân trong buôn Jun còn gìn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống, một sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc M’Nông và tạo nên những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến thăm quan.

Nhiều du khách thích thú khi được đến thăm quan, trải nghiệm tại buôn Jun.
Bà H Wai Buôn Dap (SN 1962, trú tại buôn Jun) chia sẻ: "Để tạo ra rượu cần thơm ngon với hương vị đặc trưng, người M’Nông sẽ rang gạo cho đến khi chuyển sang màu đen. Gạo sau khi rang sẽ được nấu thành cơm, rồi trộn với men và ủ trong các ché ít nhất 15 ngày. Sau đó, người dân sẽ đổ nước vào các ché này và cho ra sản phẩm rượu cần để phục vụ du khách và đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương".
Những bước chuyển mình mạnh mẽ
Hơn 20 năm làm người uy tín của buôn Jun, già làng Y Nớ Buôn Dap (75 tuổi) đã chứng kiến những bước chuyển mình vượt bậc của buôn làng.
Ông Y Nớ cho hay, buôn Jun được hình thành cách đây hơn 500 năm. Lúc đầu, có 4 hộ người M’Nông thuộc 4 dòng họ khác nhau từ khu vực xã Đắk Phơi (huyện Lắk) tìm đến đây sinh sống.
Ông Y Nớ nhớ lại: "Lúc đó, nơi đây là một khu rừng rậm rập. Người dân không chỉ đối diện với cái đói, mà còn khốn khổ vì thiếu muối để ăn.
Bà con phải lấy rong dưới hồ Lắk lên phơi khô đốt thành tro, rồi bỏ nước vào nấu cô lại làm muối ăn. Hàng ngày, người dân sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt cá, săn bắn và khai hoang làm rẫy. Theo thời gian, số hộ dân trong buôn tăng dần. Đến nay, buôn Jun có tổng cộng 117 hộ dân, với 455 nhân khẩu, trong đó người M’Nông chiếm hơn 90%".

Già làng Y Nớ Buôn Dap nói về những nét văn hóa truyền thống của người M'Nông ở buôn Jun.
Theo thông tin từ Bí thư Chi bộ buôn Y Rôn Buôn Krông, hiện nay trong buôn có 21 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng. Trong đó, có 6 căn nhà dài được hỗ trợ cơ sở vật chất để phục vụ du lịch.
Thời gian qua, buôn Jun còn được nhà nước quan tâm, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, nhằm thu hút, thúc đẩy phát triển du lịch. Hàng năm, buôn Jun đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm.
Cùng với phát triển du lịch, những năm gần đây, người dân trong buôn không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Ngoài việc sản xuất lúa 3 vụ/năm, từ năm 2015 đến nay, bà con trong buôn đã chú trọng phát triển các cây công nghiệp: cà phê, điều, mít, sầu riêng,...
Nhờ giá nông sản ngày càng tăng cao nên mức thu nhập bình quân đầu người trong buôn đã tăng lên hơn 45 triệu đồng/người/năm, trong khi trước đây con số này chưa đến 10 triệu đồng/người/năm.

Cuộc sống của đồng bào M’Nông trong buôn Jun đã có nhiều khởi sắc.
Những chuyển biến tích cực đó đã giúp cho cuộc sống của đồng bào M’Nông trong buôn có nhiều khởi sắc. Từ một buôn có đến hơn 90% hộ nghèo thì hiện nay chỉ còn 37 hộ. Nhiều căn nhà tranh vách nứa đã được thay thế bằng mái tôn, trụ bê tông kiên cố.
Ngày 16/11/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu buôn Jun, với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Người dân trong buôn Jun gìn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, buôn Jun tọa lạc ngay trung tâm huyện được bao bọc bởi hồ Lắk - hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn nhất khu vực Tây Nguyên; Danh lam thắng cảnh Quốc gia đc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 1993.
Đây là buôn có lịch sử phát triển du lịch lâu đời nhất tại huyện và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động du lịch của huyện Lắk. Hầu hết người dân có sự am hiểu về hoạt động du lịch và ít nhiều đã từng tham gia vào hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch.
Đầu tháng 12/2024, buôn Jun được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk công bố là điểm đến du lịch cộng đồng. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mới trong hành trình phát triển du lịch của buôn Jun, mang đến cơ hội quảng bá, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và tăng thu nhập cho bà con trong buôn.
Khánh Ngọc