Người người nhà nhà chơi chứng khoán, ai hưởng lợi nhất?

Người người nhà nhà chơi chứng khoán, ai hưởng lợi nhất?

Trịnh Thị Phương Ly

Trịnh Thị Phương Ly

Thứ 6, 23/04/2021 09:15

Nhờ diễn biến tích cực của thị trường, trong quý I/2021 nhiều doanh nghiệp chứng khoán báo lãi khủng, gấp hàng chục lần cùng kỳ năm trước.

"Đội quân" nhà đầu tư nhỏ lẻ tràn lên sàn chứng khoán

Thời gian gần đây, "cơn sốt" chứng khoán nóng hơn bao giờ hết khi người người, nhà nhà quay cuồng trong cổ phiếu. Với khí thế hừng hực, họ gia nhập “đội quân lính mới” trên sàn chứng khoán với hy vọng số tiền đầu tư sẽ sinh lời nhanh nhất.

Anh Lê Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không nằm ngoài “vòng xoay” chứng khoán. Làm trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn nên công việc của anh bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch Covid-19. Thu nhập bấp bênh nên đầu năm 2021, anh Tiến quyết định rút 150 triệu đồng tiền tiết kiệm gửi ngân hàng bấy lâu để đầu tư chứng khoán.

“Vì “ngân sách” có hạn, không đủ để đầu tư bất động sản nên tôi quyết định đầu tư chứng khoán. Tuy cũng có nhiều rủi ro nhưng còn hơn là để tiền “chết” trong ngân hàng với mức lãi suất từ 6%-7%”, anh Tiến cho hay.

Tuy nhiên, anh Tiến chỉ là một trong hàng trăm nghìn nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường chứng khoán trong quý I/2021. Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), trong 3 tháng đầu năm thị trường ghi nhận có 257.998 tài khoản chứng khoán mở mới, bằng 65% số lượng tài khoản mới trong cả năm 2020.

Cụ thể, trong tháng 3/2021 thị trường chứng khoán Việt Nam có 113.875 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới. Đây là con số cao nhất trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoản khi “xô đổ” kỷ lục vào tháng 1/2021 với 86.107 tài khoản mới được mở. Tính trung bình trong tháng 3, mỗi ngày có gần 3.800 người mới tham gia thị trường chứng khoán.

Tài chính - Ngân hàng - Người người nhà nhà chơi chứng khoán, ai hưởng lợi nhất?

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong quý 1/2021 tăng đột biến, bằng 65% cả năm 2020

Tính đến cuối tháng 3/2021, Việt Nam có gần 3 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, tương đương 3,1% dân số Việt Nam. Với lực lượng hùng hậu như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã chứng kiến nhiều đợt sóng tăng trưởng mạnh mẽ. Có thể nói, trong khi dịch bệnh hoành hành, những kênh đầu tư khác đều gặp rủi ro cao thì thị trường chứng khoán thực sự là kênh đầu tư sinh lời đáng mơ ước.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững” được tổ chức mới đây, bà Tạ Thanh Bình, Vụ Phát triển Thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, những tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì mức tăng khá tích cực. Cụ thể trong quý I năm nay, chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index đã 3 lần chạm mốc 1.200 điểm. Thanh khoản thị trường trong nhiều phiên cũng lập kỷ lục với giá trị giao dịch đạt hơn 15.000 tỷ đồng.

Bà cũng cho biết, sự tham gia của các nhà đầu tư góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục nhanh và mạnh trong bối cảnh khối ngoại không ngừng bán ròng trong nhiều tháng. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng số lượng tài khoản như hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra là số lượng nhà đầu tư chứng khoán chiếm khoảng 5% dân số vào năm 2025.

Tuy nhiên, số lượng người "lên sàn" tăng mạnh cũng là nguyên nhân gây tắc nghẽn tại Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Theo bà Bình, giải pháp trước mắt để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn này là khuyến khích mọi người chuyển từ sàn giao dịch HOSE sang Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, giải pháp căn cơ, dài hạn xử lý được tình trạng này là gói thầu xây dựng hệ thống mới với đối tác Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012 trị giá 600 tỷ đồng dự kiến đi vào sử dụng cuối năm nay sau nhiều lần lỗi hẹn.

Công ty chứng khoán "hốt bạc"

Nhờ chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm và hàng trăm nghìn “lính mới” đầu quân trên sàn chứng khoán, tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán “lên hương”, nhiều công ty báo lãi đậm trong quý I/2021.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) vừa công bố báo cáo tình hình kinh doanh quý I/2021 với tổng doanh thu đạt 1.063 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận sau thuế của VNDirect tăng đến 724% so với cùng kỳ, đạt 482 tỷ đồng. Tính trung bình, công ty chứng khoán này lãi 5,4 tỷ đồng mỗi ngày. Có thể nói, đây là một mùa kinh doanh "bội thu" của VNDirect khi mức lãi trong 3 tháng đầu năm bằng 70% lãi cả năm 2020 và vượt xa mức lãi của cả năm 2019.

Lý giải về sự tăng trưởng vượt trội về doanh thu và lợi nhuận trong quý I, VNDirect cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.186,36 điểm, tăng 83,36 điểm (tương đương mức tăng 7,56%) trong Quý I/2021. Điều này dẫn tới việc gia tăng mạnh lợi nhuận từ các khoản đầu tư FVTPL & AFS.

Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong Quý I/2021 tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước đã giúp cho doanh thu hoạt động môi giới tăng trưởng mạnh.

Tài chính - Ngân hàng - Người người nhà nhà chơi chứng khoán, ai hưởng lợi nhất? (Hình 2).

Nhiều công ty chứng khoán báo lãi đậm trong quý I/2021

Tương tự, trong quý I/2021 Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (HSX: SSI) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 1.503 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của công ty này đạt 528,2 tỷ đồng – tăng gấp 34 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, SSI tiếp tục là công ty chứng khoán có mức tăng trưởng dư nợ cho vay ấn tượng với mức bình quân trong quý I/2021 đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không nằm ngoài danh sách, Công ty CK TP.HCM (HSC) cũng “chốt lời” khá mạnh với 322 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực trong quý I của HSC có đóng góp lớn từ hoạt động tự doanh khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lên tới 627,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) (HoSE: VDS) hay Công ty Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) cũng cho thấy kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2021 với mức lợi nhuận thu về lần lượt hơn364 tỷ đồng và 320 tỷ đồng, bỏ xa khoản lỗ ròng hàng chục tỷ đồng trong giai đoạn đầu năm 2020...

Số liệu từ các CTCK cho biết vào cuối quý 1/2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 65.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. 

Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/3/2021.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.