Cách đây 1 năm, bà Vương đã từng trải qua 1 cơn nhồi máu não, từ đó bà phải dùng thuốc để kiểm soát và phòng ngừa bệnh tái phát.
Tuy nhiên, nửa năm trở lại đây, bà nghe nói uống tam thất có thể khỏi bệnh hoàn toàn nên đã dừng uống thuốc và thay vào đó, bà uống bột tam thất hằng ngày. Khi bà Vương nhập viện, các triệu chứng đã rất nặng và không thể cứu chữa. Bác sĩ cho rằng, việc thay thế thuốc bằng bột tam thất là nguyên nhân dẫn đến trường hợp đáng tiếc này.
Bột tam thất là một loại thảo dược rất phổ biến của Trung Quốc để loại bỏ máu đông và cầm máu. Tam thất có vị đắng, tính ấm. Về cách dùng, bột tam thất có thể uống, có thể phối hợp với các loại thuốc khác để tăng cường tác dụng cầm máu. Đối với trường hợp chảy máu do chấn thương, có thể dùng tam thất để cầm máu bên ngoài.
Mặc dù bột tam thất cũng có tác dụng chống đông máu nhất định, nhưng nó không thể thay thế aspirin và statin, là thuốc chống tiểu cầu ngăn ngừa huyết khối, ngoài ra còn giúp hạ lipid máu và ổn định mảng xơ vữa. Đây là thuốc ngăn ngừa xơ vữa động mạch đã được các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, được chứng minh là có hiệu quả ngăn ngừa nhồi máu não xuất hiện hoặc tái phát. Vì vậy, những người có tiền sử bệnh nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý thay đổi loại thuốc sử dụng.
Trong trường hợp bình thường, liều dùng bột tam thất là 1 gam - 1,5 gam/ngày. Dùng liều cao, dài ngày có thể gây phản ứng có hại, biểu hiện như buồn nôn, nôn, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, tăng lượng kinh nguyệt, trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm hoặc phát ban.
Vì vậy, khi dùng bột tam thất, bạn cần chú ý những điều dưới đây:
1. Người thiếu máu, máu nóng, dị ứng bột tam thất, phụ nữ đang cho con bú không nên dùng.
2. Không nên dùng kéo dài với liều lượng cao. Dùng bột tam thất không đúng liều lượng sẽ gây tác dụng ngược cho cơ thể.
3. Không ăn cá, đồ chua và lạnh trong khi dùng tam thất.
Tóm lại, bột tam thất không nên tùy ý dùng. Để phòng ngừa các bệnh về tim mạch và mạch máu não, chúng ta không nên chỉ ăn bột tam thất mà bỏ qua việc quản lý các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và mạch máu não như kiểm soát cân nặng, duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát huyết áp và đường huyết, điều hòa mỡ máu,... Đối với những người đang điều trị bệnh tim mạch và mạch máu não, hãy dùng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ, không được tự ý dừng và thay đổi thuốc.
Thùy Trang (Theo Aboluowang)