Ngày 9/2, Công an xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đơn vị đã nhận được đơn trình báo của gia đình chị Đ.T.T. (SN 1993, quê ở Thái Bình, hiện đang ở xã Hải Bối) về việc bị trâu húc trên đường khiến chị này phải nhập viện.
Chị T. bị trâu húc phải nhập viện
Cụ thể, vào sáng 19/1 (tức 28 Tết), khi đang đi mua đồ ăn sáng về trên đường đê, đoạn gần ngã ba thôn Cổ Điển (xã Hải Bối), chị T. bất ngờ thấy một con trâu từ lò mổ gần đó lao tới.
Theo chị T. con trâu đó lao vào một người phụ nữ đi phía trước nhưng bị trượt nên chuyển hướng sang húc thẳng vào chị và xe máy, chị bị hất tung lên không trung rồi văng xuống triền đê, bất tỉnh.
Người dân địa phương đã gọi người nhà chị T. tới đưa chị đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cấp cứu. Trong thời gian chị nằm viện, gia đình chủ lò mổ trâu đã đến thăm hỏi, nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, hai bên chưa thoả thuận được việc đền bù tổn thất sức khoẻ cho chị T.
Sau khi nằm viện 20 ngày, bác sĩ cho chị về nhà điều trị ngoại trú và dặn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ít nhất 3 tháng để hồi phục sức khỏe. Hiện tại, chị T. vẫn nằm một chỗ và phải có người phục vụ cơm nước và tắm gội.
Trước sự việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, trong trường hợp có thiệt hại xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai? Chủ con trâu húc người có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Trả lời thắc mắc của độc giả, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa – Công ty TNHH Luật sư X cho biết, trong trường hợp nạn nhân bị trâu húc và chủ sở hữu của con trâu không thoả thuận được về việc bồi thường thì nạn nhân có thể khởi kiện ra toà án nhân dân cấp huyện nơi chủ trâu cư trú, yêu cầu giải quyết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo luật sư Nghĩa, về trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng sẽ xem xét, đánh giá các yếu tố chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể của sự việc. Nếu đủ căn cứ, cộng với việc gia đình nạn nhân có đơn yêu cầu, chủ gia súc hoặc người chiếm hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý gây thương tích và tổn hại sức khoẻ người khác” (Điều 138) hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295)” thuộc Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.
Về mức xử phạt, luật sư Nghĩa cho biết, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 144/2021/NĐ-CP) quy định, để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoa – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, bản chất súc vật là động vật hoang dã, được con người thuần hóa, kiểm soát và tuân thủ theo sự quản lý của con người. Tuy nhiên, có thể xuất phát từ bản tính tự nhiên hoặc do lỗi quản lý của con người, mà súc vật có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản cho chính con người.
Theo luật sư Tùng, theo Điều 602, Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
“Trong trường hợp này, chủ con trâu sẽ phải bồi thường thiệt hại cho chị T. do sức khoẻ bị xâm phạm theo quy định của pháp luật dân sự, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”, luật sư Tùng nói.
Ngoài ra, luật sư Tùng cho biết thêm, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, chủ con trâu còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà chị T. gánh chịu.
Quỳnh An