Người Tà Mun sẽ là dân tộc thứ 55?

Người Tà Mun sẽ là dân tộc thứ 55?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Người Tà Mun cho rằng, mình không liên quan gì tới người Stiêng, Khmer, Chơ Ro nên mong muốn được công nhận là dân tộc riêng.

Tại hội thảo "Nghiên cứu thành phần tên gọi người Tà Mun" do Viện Dân tộc thuộc ủy ban Dân tộc Trung ương tổ chức ngày 8/10 tại Bình Phước, ông Điểu Hơn, trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, cho biết các cơ quan chức năng mong sớm có sự công nhận tên gọi đối với tộc người Tà Mun theo đúng tiêu chí, quy định, đặc biệt là cơ sở khoa học đối với tộc người Tà Mun ở Bình Phước. Nếu điều đó trở thành hiện thực, thì Việt Nam sẽ có tên của dân tộc thứ 55.

Sự kiện - Người Tà Mun sẽ là dân tộc thứ 55?

Mọi người cùng chúc Tết người Tà Mun tại nhà Chủ tịch Hội đồng già làng Lâm Tăng (người thứ 2, bên phải)

Khó xác định nguồn gốc

Sau một chặng đường dài, vượt gần 200km từ TP.HCM, chúng tôi lên tới xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, Bình Phước đã hơn 11h trưa. Trước khi đi, bà Thạch Thị Hạnh, Phó Chủ tịch xã Tân Hiệp căn dặn: "Dù từ đây tới chỗ ở của người Tà Mun khoảng hơn 2km nhưng đường khó đi lắm nhé". Quả thật, con đường trải nhựa đã xuống cấp, xe máy cứ lao xuống, nhồi lên trong những ổ voi, ổ gà. Hỏi thăm đường đến nhà Hội đồng già làng, chúng tôi được một anh thanh niên người Tà Mun dẫn đi. Đến nơi, thấy trong nhà có một số người đang chuẩn bị ăn cơm. T

ôi nói lý do, xin gặp Chủ tịch Hội đồng già làng, một người đàn ông lớn tuổi nói: "Anh đến ngay ngày Tết của người Tà Mun (1/9 âm lịch). Nhà đang chuẩn bị bữa cơm trong ngày mồng 1 (ngày Tết đầu tiên trong ba ngày của đồng bào người Tà Mun. Tương đồng với Tết Sa uônul - Côka muônul của người Tà Mun ở Tây Ninh). Anh vào đón tết cùng với gia đình chúng tôi cho vui. Không ngần ngại, chúng tôi vào và được ông cùng một số người thân, bạn bè thiết đãi thịnh tình".

Dù là Tết của người Tà Mun (Ol Cau) nhưng trong mâm cơm, chúng tôi không thấy một sản vật nào của tộc người này. Vẫn là canh khổ qua nhồi thịt hầm, thịt heo luộc, chả chiên, hủ tiếu xào, lẩu và uống rượu trắng hoặc bia. Những món ăn, uống quen thuộc của người Việt.

Đem thắc mắc này hỏi, ông Lâm Tăng (SN 1956), Chủ tịch Hội đồng già làng cho biết: "Cuộc sống của người Tà Mun đã thay đổi rất nhiều, mọi thứ đã giống như người Kinh. Trước đây thì có nhiều nét văn hóa khác. Ví dụ như người Tà Mun theo chế độ mẫu hệ nên các chàng trai phải đi ở rể. Còn ngày nay thì con gái theo chồng hoặc ở lại nhà cũng được. Nhà tôi có 7 đứa con thì đã có 3 cô con gái đều đi lấy chồng và ở với nhà chồng rồi".

Khi hỏi về nguồn gốc của tộc người mình, ông Lâm Tăng cũng không rõ gốc gác cụ thể là ở đâu, chỉ biết người Tà Mun đã tồn tại cả trăm năm, trải qua bốn đời tại khu vực Bình Phước, Tây Ninh. Còn theo bà Thạch Thị Hạnh thì bà con dân tộc Tà Mun đã sinh sống tại địa phương này từ nhiều đời. Trong những năm tháng chiến tranh, một số hộ dân đã chuyển đến huyện Tân Biên (Tây Ninh) để sinh sống và lập nghiệp. "Một số nghiên cứu ở Tây Ninh và Bình Phước còn cho thấy, người Tà Mun ở Tây Ninh chuyển qua Bình Phước sinh sống.

Theo các cụ già Tà Mun ở Tây Ninh thì nguồn gốc của người Tà Mun ở đây có gốc ở Sóc 5, Võ Tùng, Võ Dật. Một số người cho biết địa danh Võ Tùng, Võ Dật ở Long Thành, Đồng Nai. Đây là nơi ở từ xa xưa đến ngày nay của một số nhóm người Chơ Ro (hay còn gọi Châu Ro, Dơ Ro, Chro, Thượng)", ông Huỳnh Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết.

Ông Điểu Thiệt (SN 1960, sống tại ấp 3, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, có cha người Tà Mun, mẹ người Stiêng) cho biết, theo lời cha ông (SN 1903) kể lại, gốc người Tà Mun là người Chơ Ro. Từ Gia Kiệm, Định Quán, tỉnh Biên Hòa (nay là huyện Tân Phú, Định Quán, tỉnh Đồng Nai) chạy lạc từ thời Pháp về khu vực Hớn Quản sinh sống. Ông Lâm Lắm, người Tà Mun (ngụ ấp Sóc 5, Tân Hiệp, Hớn Quản) cũng xác nhận rằng, có nghe kể lại người Tà Mun và người Chơ Ro là một.

Theo Giấy chứng nhận sắc tộc do chính quyền Sài Gòn cũ cấp, một số người Tà Mun ở ấp Sóc 5 có nguồn gốc từ Biên Hòa. Theo TS. Nguyễn Thành Ức, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa dân tộc thì vào những năm 30 của thế kỷ XX, một bộ phận người Chơ Ro bị thực dân truy nã vì đã chống lại chủ đồn điền cao su. Họ đã phải di cư đến sống với người Stiêng và Khmer ở Bình Long, tỉnh Bình Phước. Nay gọi là người Tà Mun.

Từ những thông tin trên, ông Huỳnh Thanh cho rằng, rất nhiều khả năng nhóm người Tà Mun ở Bình Phước cũng như ở Tây Ninh và Bình Dương có nguồn gốc từ người Chơ Ro ở Đồng Nai. Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết thêm: "Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về truyền thống lịch sử, đời sống, văn hóa, phong tục tập quán kinh tế - xã hội của nhóm người Tà Mun xã Tân Hiệp và mối quan hệ của họ với người Chơ Ro ở Đồng Nai, người Stiêng, Khmer để xác định tộc danh, thành phần dân tộc của họ một cách chính xác".

Sự kiện - Người Tà Mun sẽ là dân tộc thứ 55? (Hình 2).

Người tà Mun còn có Tết cúng miễu 1 năm 2 lần vào ngày 16/5 (cúng mùa) và 16/11 (thu hoạch vụ mùa). Đồng bào Tà Mun thờ đa thần, thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ trời, các thần rừng, thần rẫy, thần đất (Ảnh: Miễu của người Tà Mun tại Sóc 5)

Nền văn hóa truyền miệng độc đáo

Người Tà Mun ở Bình Phước tự gọi mình là Tà Môl. Họ cho rằng, người Tà Mun không có liên quan gì với người Stiêng và người Khmer mà là một tộc người riêng biệt. Trong quá trình phát triển, người Tà Mun vẫn bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của mình. Sử dụng ngôn ngữ Tà Mun trong giao tiếp cũng như dạy cho con cháu ngôn ngữ của tộc người. Con cháu ông Lâm Tăng, cũng như các gia đình khác đều nói tiếng Tà Mun bên cạnh tiếng phổ thông.

Theo khảo sát của Ban dân tộc tỉnh Bình Phước thì cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã Tân Hiệp, Đồng Nơ của huyện Hớn Quản (Kinh, Hoa, Khmer, Stiêng, Tày, Chăm) đều gọi nhóm người này là Tà Mun, chứ không gọi là Stiêng hay Khmer. Các cộng đồng dân tộc ở đây đều cho rằng nhóm người Tà Mun là một tộc người riêng biệt, chứ không thuộc nhóm dân tộc nào ở đây.

Ông Thanh cho biết, tiếng nói của người Tà Mun thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với ngôn ngữ của người Chơ Ro, Stiêng, Mạ và ảnh hưởng khá đậm của ngôn ngữ Khmer. Người Tà Mun ở Bình Phước chưa có chữ viết nên truyền thống văn hóa, lịch sử được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Do đó nhiều phong tục, tập quán, tri thức lịch sử đã thất truyền.

Ông Lê Xuân Thọ, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Hiệp cũng chia sẻ, do không có chữ viết nên rất khó khăn trong việc giữ gìn văn hóa, truyền thống của tộc người. Thêm vào đó, hiện các dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của người Tà Mun cũng không còn nhiều. Theo nguồn tin của phóng viên báo Người Đưa Tin thì còn vài người tâm huyết đã sưu tầm được khoảng 4, 5 loại dụng cụ đặc trưng của dân tộc Tà Mun.

Ông Lâm Tăng cho biết thêm, do quá trình du canh, du cư và chiến tranh loạn lạc nên không ai biết để bảo quản các vật dụng ấy. Thời còn chiến tranh, mọi người phải bỏ làng, bỏ xóm chạy vào rừng trốn, chỉ mong sao giữ lại mạng sống. Có ai nghĩ sẽ giữ lại các vật dụng lao động, sinh hoạt cho đời sau để tìm hiểu, nghiên cứu đâu. Còn sau này, mọi người hòa nhập với cuộc sống hiện đại, nên các vật dụng không phù hợp đã bán ve chai hết rồi.

Từ lâu đã được địa phương chứng nhận tên dân tộc riêng?

Ông Huỳnh Thanh cho biết, theo số liệu điều tra thống kê các thành phần dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số sinh sống, không có tộc danh Tà Mun. Nguyên nhân, tên gọi Tà Mun không có trong bảng Danh mục 54 thành phần dân tộc Việt Nam được Tổng cục Thống kê công bố năm 1979. Mặt khác, về phong tục, tập quán, tiếng nói khá tương đồng với dân tộc Stiêng nên nhóm Tà Mun được xếp vào dân tộc Stiêng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương xã Đồng Nơ trước đây và Tân Hiệp hiện nay, cũng như công an huyện Bình Long trước đây và Hớn Quản ngày nay đều sử dụng, xác nhận thành phần dân tộc của nhóm người này là Tà Mun trong các văn bản, giấy tờ như: Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Giấy Khai sinh, Giấy Đăng ký kết hôn, Hương ước. Hiện nay đồng bào Tà Mun sống tập trung tại ấp Sóc 5 với 202 hộ/961 khẩu. Số còn lại gồm 332 hộ/182 khẩu sống rải rác tại các ấp 7, 8, 9, 10, Bàu Lùng, Tân Lập.

Trung Nghĩa