"Người tình nước Mỹ” phía sau ánh hào quang

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Đúng như Cecil B.Demile đã viết trong lời nói đầu của cuốn sách “Sunshine and Shadow”: Trên thế giới có cả trăm ngàn minh tinh, diễn viên xuất sắc. Nhưng Mary Pickford thì chỉ có một!”.

Dáng người “vừa thấp vừa tròn” nhưng lại sở hữu một gương mặt thanh tú và nụ cười tươi sáng như thiên thần cùng lối diễn xuất tài tình bẩm sinh, chính điều đó đã giúp cho Mary Pickford - Gladys Louise Smith, cô gái người Mỹ gốc Canada trở thành một diễn viên vĩ đại trên thế giới trong suốt gần 6 thập kỷ qua.

Sự kiện - 'Người tình nước Mỹ” phía sau ánh hào quang

Những bộ phim có sự tham gia của cô bao giờ cũng được ưu ái trình chiếu đầu tiên. Trong suốt những năm tiếp theo, Mary Pickford được đảm nhận nhiều vai nữ chính trong các bộ phim kinh điển của thế giới.

Con đường sự nghiệp đầy thành công và vinh quang nhưng cuộc sống tình cảm của cô lại đầy sóng gió và trắc trở. Những mối tình không cập bến cùng 3 cuộc hôn nhân lận đận đã để lại trong lòng cô gái có mái tóc vàng óng những nốt trầm buồn.

Những chặng đường khó khăn

Mary Pickford sinh năm 1893 tại Toronto, Ontario, Canada. Cha mẹ đều là công nhân nên Mary đã phải tự kiếm sống từ khi còn rất nhỏ. Năm lên 5 tuổi, cha cô đã không may qua đời trong một tai nạn khi đang làm việc, gánh nặng gia đình dồn lên vai mẹ Mary. Năm 6 tuổi, Mary Pickford chính thức bắt đầu kiếm việc làm thêm để phụ giúp mẹ nuôi 2 em.

Một may mắn đã đến với gia đình Mary khi Kịch viện Toronto tới thuê căn phòng trống của gia đình để làm nơi hoạt động. Tại đây, cô và mẹ cùng người em gái đã xin được những công việc lặt vặt để làm thuê, từ đó, cuộc sống của cả gia đình cô đã cải thiện được phần nào.

Như một định mệnh cho cuộc đời của Mary Pickford đến với điện ảnh, giám đốc Kịch viện đã mời cô tham gia đóng vai phụ cho một vở kịch mang tên “The Silver King”. Dù là vai phụ nhưng đã mang lại rất nhiều ấn tượng cho người xem. Theo như nhận xét của người đạo diễn vở kịch thì cô là “…một viên ngọc quý giá cần được mài giũa thận trọng để tỏa sáng”. Nhờ lối diễn xuất tài tình đầy cuốn hút, Mary Pickford liên tục được mời đóng nhiều vai khác cho các vở kịch nổi tiếng của Kịch viện Toronto.

Mary Pickford thực sự nổi tiếng và bắt đầu bước chân và ngành điện ảnh khi cô nhập vai trong một vở kịch nổi tiếng nhất thời bấy giờ tại Canada có tên “The Fatal Wedding”. Sau vở kịch này, giám đốc Kịch viện Toronto biết rằng Mary Pickford cần được đào tạo chuyên nghiệp hơn, ông đã khuyên cô nên tới nước Mỹ để thử sức mình. Nhờ một số mối quan hệ do những thành công của mình mang lại, và số tiền lớn kiếm được qua những vở kịch, Mary Pickford đã cùng gia đình đi tới New York để liên hệ với các nhà sản xuất phim nổi tiếng.

Tới New York, Mary Pickford hiểu rằng kịch ở đây không hề phát triển và được ưa chuộng như trên đất nước Canada của cô. Muốn đứng vững và thành công chỉ có thể nhờ vào phim truyện. Sau bộ phim đầu tiên của mình tại New York mang tên “Trại nuôi thỏ Virginia” , hầu như cô không để lại ấn tượng gì với công chúng nước Mỹ, cô đã chủ động hủy hợp đồng làm việc để tìm kiếm cho mình một cơ hội khác.

Người cô tìm đến tiếp theo là đạo diễn D.W. Griffith, ông là một đạo diễn bậc thầy tại New York lúc bấy giờ nhưng tính tình rất thẳng thắn và lập dị. Khi nghe Mary Pickford bày tỏ nguyện vọng muốn được đóng phim do chính ông làm đạo diễn để thử sức mình, ông đã nhìn cô và nói: “Cô không có điểm gì làm ấn tượng, người vừa thấp vừa mập nhưng tôi vẫn muốn cho cô một cơ hội”.

Dù có cơ hội được làm việc với đạo diễn nổi tiếng và tài ba mà cô vẫn ngưỡng mộ từ lâu nhưng những vai diễn của cô ban đầu chỉ là vai phụ. Không nản lòng, Mary Pickford chấp nhận những thử thách mới, bởi cô hiểu rằng muốn có được thành công thì cần phải lao động, kiên nhẫn và chờ đợi. Sau nhiều lần vào vai phụ thì cuối cùng cô cũng đảm nhiệm được một vai chính trong bộ phim “Con ma nhỏ dễ thương”. Khi được trình chiếu rộng rãi, bộ phim đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao về cả nội dung và diễn xuất của diễn viên chính Mary Pickford.

Bộ phim được yêu cầu trình chiếu với tần suất hàng tuần trong gần 1 năm liền, doanh thu từ bộ phim đã mang lại cho cô một khoản thu nhập khổng lồ, khiến cô nổi tiếng khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới. Cũng từ bộ phim này, Mary Pickford chính thức gia nhập vào hàng ngũ những diễn viên nổi tiếng nhất. Mary Pickford gọi khoảng thời gian đó là những năm tháng hạnh phúc nhất cuộc đời cô.

Liên tục sau đó, Mary Pickford nhận được rất nhiều các hợp đồng đóng phim và quảng cáo. Hình ảnh của cô đã trở nên quen thuộc với bất kỳ người dân Mỹ nào, ở bất kỳ con đường hay góc phố nào cũng có những bức hình của cô với dòng chữ: “Mary Pickford – viên ngọc đã tỏa sáng trên bầu trời nước Mỹ”.

Những bộ phim có sự tham gia của cô bao giờ cũng được ưu ái trình chiếu đầu tiên. Trong suốt những năm tiếp theo, Mary Pickford được đảm nhận nhiều vai nữ chính trong các bộ phim kinh điển của thế giới. Đặc biệt là các bộ phim quan trọng như: “Tess of the storm country”; “Poor little rich girl”; “Rebecca of sunnybrook farm and a little princess”…

Sự kiện - 'Người tình nước Mỹ” phía sau ánh hào quang (Hình 2).

Sự nghiệp của Mary Pickford thành công bao nhiêu thì chuyện tình duyên lại trắc trở bấy nhiêu.

Nhờ những bộ phim bom tấn và những bản hợp đồng quảng cáo béo bở với khoản thu nhập kếch sù, Mary Pickford trở thành nữ minh tinh nổi tiếng và giàu có nhất nước Mỹ. Một trào lưu thời trang học và diễn theo phong cách của Mary Pickford được giới trẻ Mỹ và các diễn viên mới vào nghề vô cùng ưa chuộng. Mary Pickford là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử điện ảnh bước lên những nấc thang vinh quang nhất khi vừa tròn 20 tuổi.

Và những cuộc tình buồn của “Người tình nước Mỹ”

Sau những vinh quang Mary Pickford đã đạt được, năm 1913 sau bộ phim “Bí mật” thành công vang dội, cô lui về hậu trường chuyên tâm cho công việc sản xuất phim, viết văn và tham gia nhiều hoạt động từ thiện của hai nước Canada và Mỹ. Năm 1918, cô cùng mẹ mình đứng ra thành lập công ty điện ảnh mang tên Mary Pickford và trở thành nữ diễn viên đầu tiên có công ty riêng. Một năm sau đó, năm 1919, để phát triển sự nghiệp của mình, Mary Pickford cùng 3 nhà đạo diễn và sản xuất phim hợp tác tạo nên công ty điện ảnh Mỹ (United Artists) mạnh nhất thời bấy giờ.

Từ năm 1919 đến năm 1929, một loạt các bộ phim do công ty của cô sản xuất đều rất thành công và nổi tiếng, đáng kể nhất bộ phim mang tên “Copuette” đã giành được giải thưởng Oscar.

Sự nghiệp của Mary Pickford thành công bao nhiêu thì chuyện tình duyên lại trắc trở bấy nhiêu. Một nữ minh tinh xinh đẹp, tài năng như cô luôn có hàng tá những người đàn ông lịch lãm, hào hoa và giàu có vây quanh. Cô trở thành một người phụ nữ hoàn mỹ trong con mắt của mọi người. Một nhà bình luận nổi tiếng đã viết về cô: “Mary Pickford là một người phụ nữ mà bất cứ một chàng trai nào cũng muốn chiếm hữu”. Dù được rất nhiều người mến mộ và yêu quý và đã trải qua một vài cuộc tình đẹp đầy lãng mạn nhưng Mary Pickford thừa nhận rằng cô chưa bao giờ cảm nhận được một tình yêu tuyệt mĩ mà mình mong muốn.

Năm 1915, Mary Pickford chính thức kết hôn với người chồng đầu tiên là diễn viên đẹp trai, đầy lãng tử nhưng lại nghiện rượu là Owen Moore. Những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi qua đi, thay vào đó là những đêm dài tiệc tùng rượu chè mà người chồng của cô đem lại. Bao nhiêu tiền kiếm được, Owen Moore đem nướng vào những cuộc vui rượu chè và trai gái bên ngoài.

Ban đầu, để cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, Mary Pickford đã yêu cầu chồng đi cai rượu và cô sẽ gác bỏ công việc của mình để giúp chồng nhưng đã không thành công. Đầu năm 1920, khi trở thành triệu phú thì hạnh phúc của cô đứng bên bờ vực thẳm, Mary Pickford và Owen Moore ly hôn sau 5 năm chung sống.

Để che lấp đi khoảng trống đau buồn cho cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình, Mary Pickford vội vàng tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần mới. Đến cuối năm 1920, cô kết hôn lần thứ hai với ngôi sao màn bạc nổi tiếng khác là Douglas Fairbanks. Lúc này, cả Mary Pickford và Douglas Fairbanks là hai đứa con cưng của điện ảnh Hollywood.

Một đám cưới lãng mạn, hoành tráng chưa từng có được tổ chức trên một ngọn đồi thơ mộng Beverly. Họ luôn sánh đôi bên nhau trong những sự kiện trọng đại của cả hai, đi đến bất kỳ đâu trên thế giới họ luôn nhận được sự hâm mộ và yêu mến của khán giả. Tưởng chừng hạnh phúc đã mỉm cười với “người tình nước Mỹ”, nhưng cô lại bẽ bàng nhận ra Douglas Fairbanks cũng chỉ là một kẻ thích hư vinh. Hạnh phúc gia đình đối với anh ta là quá lãng phí và xa xỉ với sự nghiệp và tuổi thanh xuân của mình.

Đoạn kết cuộc hôn nhân thứ hai là những năm tháng sống ly thân. Mary Pickford bị rơi vào trạng thái trầm cảm, cô đơn lạnh lẽo và chính thức ly hôn vào năm 1936 sau 16 năm đầy sóng gió.

Tưởng chừng sau hai lần đổ vỡ đã làm cho trái tim của “người tình nước Mỹ” lạnh giá và đau khổ, nhưng cô đã nhanh chóng lấy lại cân bằng trong công việc của mình. Cuộc hôn nhân thứ 3 cũng là cuộc hôn nhân cuối cùng được Mary Pickford cho rằng đích thực và hạnh phúc nhất đến trong vài năm sau. Mary Pickford đã kết hôn với diễn viên kiêm chỉ huy dàn nhạc là Cherles Buddy Rogers.

Cũng từ đây, cuộc sống của cô rất hạnh phúc và viên mãn, sự nghiệp của cả hai người cũng có điều kiện được phát triển và thành công không ngừng.Năm 1974 Mary Pickford vinh dự được trao giải Oscar đặc biệt cho những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp điện ảnh nước Mỹ.

Đúng như Cecil B.Demile đã viết trong lời nói đầu của cuốn sách “Sunshine and Shadow”: Trên thế giới có cả trăm ngàn minh tinh, diễn viên xuất sắc. Nhưng Mary Pickford thì chỉ có một!”.

> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa

Quỳnh Vy

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.