Người vùng lũ đâu cần bikini, giày cao gót...

Người vùng lũ đâu cần bikini, giày cao gót...

Mai Thị Thu Hằng

Mai Thị Thu Hằng

Thứ 5, 17/08/2017 14:00

Những bức ảnh được cho là “món quà” dành tặng người dân vùng lũ như: Giày cao gót, yếm bò, bikini... đang thể hiện sự vô tâm của một số người làm từ thiện.

Không phải đến bây giờ, câu chuyện đi làm từ thiện thế nào cho đúng mới được mang ra tranh luận. Bởi đã có nhiều người mang danh làm từ thiện nhưng những thứ họ cho đi lại không đúng cách. Ví như chuyện tặng bà con vùng lũ, nơi nghèo toàn váy áo đủ sắc màu, giày cao gót...

Mới đây nhất, để giúp đỡ người dân ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sơn La vượt qua những khó khăn sau cơn lũ dữ, không ít nhà hảo tâm, nhóm từ thiện đứng ra kêu gọi ủng hộ tiền, quần áo, nước sạch và thức ăn để giúp đỡ người dân.

Rồi họ băng rừng lội suối vào tận những nơi sâu xa nhất với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những món quà được chuyển đến phần nào đã động viên bà con trong lúc khó khăn.

Ngoài cơm, gạo, tiền, mỳ tôm... nhiều người gửi cả quần áo, giày dép, những vật dụng quen thuộc với hy vọng bà con “dùng tạm”, “dùng đỡ” khi trắng tay.

Đời sống - Người vùng lũ đâu cần bikini, giày cao gót...

Hình ảnh những "món quà" ủng hộ khiến dân mạng dậy sóng.

Tuy nhiên, trong số vật dụng được ủng hộ, cũng có những “món quà” khiến cho bà con phải giật mình, thậm chí nhiều người còn không biết phải sử dụng chúng như thế nào.

Một chia sẻ trên mạng xã hội cách đây ít ngày về chiếc bikini được cho là lấy ra từ trong một kiện hàng ủng hộ bà con vùng lũ khiến nhiều người chỉ biết “câm nín”: “Tặng bikini cho bà con vùng lũ Sơn La? Trong thời điểm cả nước chung tay ủng hộ bà con vùng lũ, bà con rất ấm áp và cảm thấy mình không cô đơn.

Thế nhưng vẫn có một vài hình ảnh phản cảm và "hậu quả sau đợt ủng hộ" là rất đáng nói: Chắc rằng sẽ có một khối lượng rác rất lớn tại nơi đó. Các đoàn tình nguyện viên cố gắng và nhiệt tình bao nhiêu bà con biết, bà con đều ghi nhận.

Nhưng không phải cái gì bà con cũng nhận, ví như quần áo cũ (quá cũ), không hợp với lứa tuổi và phong tục, sách vở cũ...

Thiết nghĩ nếu đã là từ thiện thì chúng ta nên làm cho đến nơi đến chốn, khi nhận đồ từ thiện của các mạnh thường quân, chúng ta nên sàng lọc qua để khi đem tặng bà con sẽ được trọn vẹn hơn”.

Đã có rất nhiều trưởng nhóm từ thiện lên tiếng về việc này, thậm chí họ còn kể ra những câu chuyện dở khóc dở cười trong quá trình phân loại quà từ thiện trước khi gửi đến tay những người đang gặp khó khăn.

Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, chị Kim Ngân (Trưởng CLB từ thiện Nhân Tâm Việt) chia sẻ: “Năm nào CLB chúng tôi cũng tham gia ủng hộ bà con các vùng bị thiên tai, bão lũ nên việc nhận được những “món quà” ủng hộ là bikini, quần áo ẩm mốc, rách nát... là chuyện thường xuyên.

Năm vừa rồi, khi kêu gọi ủng hộ bà con bị lũ ở miền Trung, CLB cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Khi đó, chúng tôi thật sự không biết nói gì hơn, vì dù sao, người ta cũng gửi rồi, mình làm sao trả lại được”.

Cũng theo lời kể của chị Kim Ngân, chị ở tận Bình Dương, nhưng chị nhận đồ từ thiện trên toàn quốc: “Có nhiều kiện hàng quần áo rất nặng chuyển từ Bắc vào. Biết là ủng hộ bà con vùng cao, nhưng những người làm từ thiện như chúng tôi cũng phải gửi trả phí vận chuyển lên tới hàng triệu đồng.

Khi mở kiện hàng ra toàn giày cao gót, áo ngực nữ đã cũ kỹ hỏng hết móc, dây, rồi quần áo mốc xanh, mốc vàng... Dù có cố xử lý bằng cách giặt là, nhưng khi xử lý xong, quần áo đó cũng bị bở và không còn giá trị sử dụng”.

Chị Mai Phương (Trưởng nhóm quỹ Trái Tim Nhân Ái Lào Cai) bày tỏ: “Các nhà hảo tâm nghĩ là người dân mất hết quần áo sẽ mặc đồ nhỏ của họ, nhưng thực ra rất ít người dám sử dụng quần áo lót của người khác. Những đồ như thế tất nhiên nên hạn chế ủng hộ, thậm chí không nên gửi.

Tôi không có ý lên án, nhưng tôi thấy có nhiều người không biết nghĩ khi họ coi việc từ thiện như dịp để xả bó rác vậy, rất nhiều quần áo rách, không còn mặc được. Thậm chí, mốc xanh mốc vàng, kiến làm tổ cả trong đó... Chúng tôi mất nhiều thời gian lựa chọn. Cả nhóm chỉ biết nhìn nhau câm nín, nhiều khi thấy tủi tủi, khóe mắt cay cay”.

Cũng theo chị Mai Phương, việc các nhà hảo tâm có tấm lòng ủng hộ là rất đáng ghi nhận, nhưng việc ủng hộ cái gì để tốt nhất cho bà con, các nhà hảo tâm cũng nên suy nghĩ, cân nhắc.

(Còn nữa)

M.Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.