Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (11–17/7), tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận nhiều diễn biến đáng lo ngại.
Đáng chú ý, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tuy giảm nhẹ so với tuần trước nhưng đang có xu hướng tăng trở lại khi mùa cao điểm đến gần, kèm theo sự xuất hiện của nhiều ổ dịch nhỏ với chỉ số côn trùng ở mức nguy cơ cao.
Cụ thể, trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 26 ca mắc SXH tại 19/126 phường, xã, giảm so với tuần trước (34 ca) và không có ca tử vong. Lũy tích từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 391 ca SXH, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (1.283 ca).
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Wipha) vừa qua gây mưa kéo dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch.

Phun khử khuẩn tại những nơi nhiều bụi rậm, cây cỏ để phòng tránh sốt xuất huyết.
Hiện toàn thành phố còn 4 ổ dịch SXH đang hoạt động tại xã Phú Xuyên (7 bệnh nhân), xã Hát Môn (5 bệnh nhân), khu tập thể N15 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - phường Tây Hồ (5 bệnh nhân) và xã Tam Hưng (2 bệnh nhân).
Không chỉ SXH, các bệnh truyền nhiễm khác cũng đồng loạt gia tăng. Trong tuần, thành phố ghi nhận thêm 102 ca tay chân miệng tại 50 phường, xã gần gấp đôi so với tuần trước (54 ca), nâng tổng số ca mắc từ đầu năm lên 3.202, cao gần gấp đôi cùng kỳ 2024. Các ca tay chân miệng chủ yếu rải rác, chưa hình thành ổ dịch mới.
Trong khi đó, dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp, tuần qua ghi nhận 12 ca mắc mới, giảm so với tuần trước (29 ca). Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 4.266 ca mắc tại 125 phường, xã, 1 ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2024 (2/0). Bệnh nhân sởi phân bố ở mọi lứa tuổi nhưng tập trung nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi.
Ngoài ra, Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca ho gà tại Hà Đông và Đại Xuyên; 64 ca COVID-19 (tăng hơn gấp đôi so với tuần trước), nâng tổng ca mắc COVID-19 từ đầu năm lên 2.091 gấp hơn hai lần cùng kỳ năm 2024. Các bệnh não mô cầu, liên cầu lợn chưa ghi nhận ca mắc mới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, tuần qua, đoàn giám sát thuộc CDC Hà Nội đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại phường Tây Hồ, nơi đây là một trong những điểm nóng mới với 3 ổ dịch, tổng cộng 18 ca mắc từ đầu năm. Đặc biệt, chỉ riêng tháng 7 đến nay đã phát hiện nhiều ca SXH tại tổ dân phố số 12 và 13.
Khảo sát thực tế tại tổ dân phố 13, nơi có khoảng 350 hộ dân, đoàn ghi nhận nhiều hộ thuê trọ, gara ô tô để lốp xe ngoài trời tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản. Một số hộ vẫn tồn tại nhiều vật dụng chứa nước như xô, chậu,... là ổ bọ gậy tiềm ẩn.

CDC Hà Nội thực hiện giám sát ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Tây Hồ.
Ngay trong buổi kiểm tra, cán bộ y tế đã trực tiếp hướng dẫn người dân loại bỏ các dụng cụ không cần thiết, úp vật chứa nước khi không sử dụng, tổng vệ sinh khu vực sinh sống sạch sẽ, thoáng đãng.
Trạm Y tế phường Tây Hồ cũng đã phối hợp lực lượng chức năng khẩn trương xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi, truyền thông đến từng hộ dân.
Theo ông Lê Hùng Phi - Tổ trưởng Tổ dân phố số 13, hiện nay tổ dân phố luôn chủ động phối hợp với y tế cơ sở trong các hoạt động vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông tin về tình hình dịch bệnh cũng được thường xuyên cập nhật đến người dân qua hệ thống bảng tin và nhóm Zalo của tổ.
Qua kiểm tra, giám sát thực tế 2 ổ dịch tại Tổ 12 và 13, đoàn giám sát CDC Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của phường, nhưng đồng thời đề nghị Trạm Y tế sớm triển khai phun hóa chất diệt muỗi lần 2 sau khi đã tổng vệ sinh môi trường, để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra cần tiếp tục giám sát, đánh giá hiệu quả, theo dõi diễn biến dịch tễ để xử lý kịp thời.
Đoàn cũng kiến nghị UBND phường kiện toàn lại đội xung kích, tổ giám sát dịch tại cộng đồng, lực lượng nòng cốt trong phát hiện, xử lý ổ dịch và tuyên truyền đến từng người dân.
Theo CDC Hà Nội, diệt muỗi, diệt bọ gậy không chỉ là biện pháp tình thế mà cần thực hiện định kỳ, liên tục trên toàn địa bàn. Trong đó, ý thức tự giác của người dân là yếu tố then chốt giúp kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Ngành Y tế thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các địa phương, báo chí để đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Công tác thống kê, báo cáo tình hình dịch bệnh phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời để phục vụ dự báo và ứng phó với các tình huống dịch.
Song song đó, công tác kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài tiếp tục được siết chặt nhằm sớm phát hiện ca nghi mắc, triển khai ngay các biện pháp ứng phó.
CDC Hà Nội khuyến cáo người dân cần giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thu gom rác thải, loại bỏ hoặc lật úp vật dụng chứa nước không cần thiết để loại trừ nơi sinh sản của muỗi, loăng quăng.
Khi có các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau mỏi người… đặc biệt tại khu vực đang có dịch, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.