Dấu hiệu rò rỉ khí đốt tại địa điểm xảy ra vụ nổ gây hư hại hai đường ống Nord Stream của Nga.
Đường ống Nord Stream 1 và 2 bị hư hại nghiêm trọng hồi đầu tuần này sau một loạt tiếng nổ lớn, nghi do bom hoặc mìn gây ra. Nga, Mỹ và một số quốc gia khác đã bày tỏ quan điểm cho rằng, đây là một vụ tấn công phá hoại.
Nếu không sửa chữa hư hại càng sớm càng tốt, quá nhiều nước biển mặn tràn vào đường ống nằm dưới đáy biển Baltic, có thể gây ăn mòn đến mức không thể phục hồi, giới chức Đức cảnh báo, theo Tagesspiegel.
Đan Mạch ngày 28/9 nói giới chức nước này sẽ bắt đầu thăm dò và đánh giá thiệt hại sớm nhất trong 1-2 tuần tới do liên quan đến "vấn đề an toàn", Tagesspiegel cho biết.
Báo Đức không cho biết liệu Nga hoặc Đức có kế hoạch sửa chữa đường ống hay không.
Một nhóm các nghị sĩ Đức đã đổ lỗi cho Moscow về sự cố đường ống Nord Stream. "Một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm lan truyền sự sợ hãi và tiêu cực", Roderich Kiesewetter, nghị sĩ Đức, nói. "Nga đang cố gắng làm trầm trọng thêm sự bất ổn ở châu Âu".
Marie-Agnes Strack-Zimmermann, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, nói "không loại trừ khả năng Nga đứng sau vụ tấn công". Bà Strack-Zimmermann là người thường đưa ra tuyên bố kêu gọi Đức và EU "giải thoát" khỏi sự phụ thuộc vào "năng lượng và các nguyên vật liệu từ Nga".
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/9 đã lên tiếng: "Vụ rò rỉ đường ống Nord Stream cũng là vấn đề lớn đối với Nga. Mọi cáo buộc phá hoại Nord Stream nhằm vào Nga là hoàn toàn vô lý".
Theo ông Peskov, cả hai đường ống Nord Stream 1 và 2 đều chứa khí để chờ bơm và đó là loại khí rất đắt, đồng thời kêu gọi các bên đối thoại để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân vụ việc, không đưa ra các cáo buộc khi chưa có kết quả điều tra chính thức.
Cùng ngày 28/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova có phát biểu ám chỉ Mỹ có thể là bên đứng sau vụ 2 đường ống bị hư hại.
"Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói đường ống Nord Stream sẽ chấm dứt nếu Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Biden có nghĩa vụ trả lời câu hỏi có phải Mỹ đã làm theo những gì từng đe dọa hay không", bà Zakharova cho biết.
Bà Zakharova cũng nói EU nên xem xét kỹ lưỡng tuyên bố từ cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. "Ông Sikorski đã cảm ơn Mỹ vì sự cố với đường ống dẫn khí đốt của Nga. Đó có phải là tuyên bố chính thức xác nhận đây là một vụ tấn công?", bà Zakharova nói.
Sau khi Nga nêu khả năng Mỹ là một bên đứng sau vụ "phá hoại" đường ống Nord Stream 1 và 2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 28/9 đã lên tiếng bác bỏ.
"Ý tưởng rằng Mỹ tham gia vào bất kỳ vụ phá hoại nào liên quan đến đường ống Nord Stream là phi lý", ông Price nói, cho biết thêm rằng mình từ chối bình luận về thông tin cho rằng tình báo Mỹ đã cảnh báo trước với Đức về một vụ tấn công phá hoại có thể xảy ra.
"Tôi không có thẩm quyền để bình luận về các thông tin tình báo, bao gồm cả thông tin có thể đã được chuyển cho Đức hoặc bất kỳ đồng minh nào khác", ông Price trả lời các phóng viên.
Ở thời điểm hiện tại, hai đường ống Nord Stream 1 và 2 vẫn bị rò khí đốt ra biển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường.
Đăng Nguyễn - RT