Trong một thông báo ngày 16/9, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ đã tăng 0,7% trong tháng 8 so với tháng trước. Doanh số bán lẻ hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ là một kỹ thuật thống kê loại bỏ sự tác động của xu hướng tạm thời và mang tính mùa vụ dễ gây nhầm lẫn khi phân tích kinh tế theo chuỗi thời gian.
Con số bất ngờ
Sự gia tăng trên khiến hầu hết các nhà kinh tế học bất ngờ. Vì theo một cuộc khảo sát trước đó của Hệ thống nghiên cứu dữ liệu tài chính FactSet, ước tính rằng doanh số bán lẻ hiệu chỉnh theo mùa sẽ giảm khoảng 0,85%.
Nhìn chung, doanh số bán hàng ở Mỹ trong tháng vừa qua đã tăng 15,1% so cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Nguyên nhân do đâu?
Giải thích về sự gia tăng bất ngờ của doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng 8, theo hãng tin Reuters cho biết nguyên nhân do lượng mua hàng trực tuyến và đồ nội thất tăng mạnh, bù đắp cho sự sụt giảm của các đại lý ô tô, khách sạn và nhà hàng.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các nhu yếu phẩm bán hàng trực tuyến đang trở thành mối quan tâm hàng đầu và việc giao hàng tạp hóa trở thành cứu cánh cho hàng triệu người dân Mỹ ở nhà tránh dịch. Doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng lại ở mức 5,3% vào tháng 8, sau khi từng giảm còn 4,6% trong tháng 7. Trong khi doanh số bán hàng trực tuyến đang ghi nhận tín hiệu tích cực thì các chủ nhà hàng, quán bar cho rằng họ đang phải trải qua giai đoạn kinh doanh “ảm đạm” nhất và không cải thiện so với tháng trước.
Sự gia tăng doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng 8 là kết quả của cú huých kinh tế vào thời điểm giữa tháng, khi các hộ gia đình đủ điều kiện được nhận tiền hỗ trợ trong chương trình tín thuế trẻ em và mùa tựu trường.
Theo dữ liệu Bộ Tài chính Mỹ công bố, đợt giải ngân tháng 8 tín dụng thuế trẻ em trị giá hơn 15 tỷ USD, dành cho khoảng 61 triệu trẻ đủ điều kiện nhận, nhiều hơn 1,6 triệu trẻ so với đợt giải ngân tháng 7. Các gia đình đủ điều kiện sẽ nhận được khoản tín dụng thuế là 3.600 USD với trẻ dưới 6 tuổi và 3.000 USD với trẻ từ 6-17 tuổi, được chi trả hàng tháng. Chương trình này là một phần của đạo luật cứu trợ American Rescue Plan được phê duyệt vào tháng 3/ 2021 để giúp các bậc cha mẹ trang trải chi phí thực phẩm và sinh hoạt gia đình.
Mua sắm tựu trường cũng là một nguyên nhân đã thúc đẩy doanh số bán lẻ gia tăng. Theo Bộ Thương mại, doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hóa đã tăng 2,4% trong tháng trước đó do nhu cầu mua quần áo và vật dụng khi trẻ em quay trở lại lớp học lần đầu tiên sau hơn một năm.
Ngoài ra, doanh số tại các cửa hàng xây dựng trong tháng 8 tăng 0,95% và doanh số ở các tiệm đồ nội thất tăng 3,7%, đều là những con số ấn tượng.
Bên cạnh những tín hiệu tươi sáng trên, vẫn còn nhiều ngành công nghiệp ghi nhận doanh số chưa phục hồi. Các hãng hàng không gần đây báo rằng doanh số bán vé sụt giảm trong bối cảnh những tác động sâu sắc của biến thể Delta ở nhiều nơi trên thế giới.
Bộ Thương mại cũng cho biết doanh số bán xe tiếp tục trên đà giảm 3,9% trong tháng 8. Nguyên nhân có thể do tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu, sự thiếu hụt lao động và nhu cầu tiêu dùng thấp, các công ty sản xuất xe giảm sản lượng và nguồn xe có sẵn tại các cửa hàng đại lý khan hiếm.
Dự báo về tiêu dùng Mỹ
Theo Gus Faucher, nhà kinh tế của Tổ chức Tài chính PNC Financial ở bang Pennsylvania, cho biết hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong việc dẫn dắt đà phục hồi kinh tế Mỹ hậu đại dịch.
Theo Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao của Công ty Dịch vụ tài chính BMO Capital Markets, nhận định rằng ngày càng có nhiều người tìm được việc làm, các chính sách tăng lương thưởng và nhiều người đã tích lũy tiền tiết kiệm trong suốt thời kỳ đại dịch. Do đó mọi người sẽ có nhiều tiền hơn để chi tiêu. Tuy nhiên, phần lớn sự cải thiện sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có thể ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tốt như thế nào.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia cho biết sự gia tăng doanh số Mỹ bất chấp những khó khăn đã phản ánh khả năng chi tiêu của người tiêu dùng và khả năng phục hồi của các nhà bán lẻ. Chủ tịch NRF Matthew Shay của Liên đoàn do biết “Chúng tôi có niềm tin vào sức mạnh của người tiêu dùng và mong đợi một mùa lễ hội thành công cho các nhà bán lẻ”.
Như vậy, sau năm 2020 với quá nhiều biến động, kinh tế Mỹ đang từng bước phục hồi khi "cơn bão" Covid-19 dần qua đi nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng và các gói kích thích khổng lồ phát huy tác dụng. Dựa trên các con số và chính sách mà Chính phủ Mỹ đã ban hành, nhà đầu tư hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng và xu hướng phục hồi trong năm nay của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phạm Thu Thanh