Liên minh châu Âu (EU) muốn áp đặt một vòng trừng phạt mới chống lại Nga vì chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine, nhưng Hungary đã nổi lên như một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự ủng hộ nhất trí cần thiết từ 27 quốc gia thành viên của khối, hãng thông tấn Associated Press (AP) cho biết.
Khi EU cố gắng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga, Hungary đã cực lực phản đối.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU, Ursula von der Leyen, tuần trước đã đề xuất loại bỏ dần nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm để châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và cắt giảm nguồn thu nhập giúp tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Nhưng Chính phủ Hungary - một trong những chính phủ thân thiện nhất với Moscow trong EU - khẳng định sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhắm vào xuất khẩu năng lượng của Nga.
Hungary phụ thuộc rất nhiều vào dầu và khí đốt Nga. Nước này cho rằng việc EU tẩy chay dầu Nga sẽ giống như một “quả bom nguyên tử” giáng xuống nền kinh tế Hungary và phá hủy “nguồn cung năng lượng ổn định” của họ.
Bà Von der Leyen đã thực hiện một chuyến đi bất ngờ đến thủ đô Budapest của Hungary hôm 9/5 để đàm phán với Thủ tướng Viktor Orban nhằm cứu vãn đề xuất, nhưng vẫn chưa thu được kết quả mong muốn.
Lập luận của Hungary
Chính phủ Hungary khẳng định sẽ chặn bất kỳ đề xuất trừng phạt nào của EU bao gồm năng lượng Nga, gọi đó là “lằn ranh đỏ” đi ngược lại lợi ích của Hungary.
Hungary, quốc gia không giáp biển thuộc khu vực Trung Âu, nhận 85% khí đốt tự nhiên và hơn 60% dầu từ Nga.
Ông Orban, được nhiều người coi là một trong những đồng minh EU thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã miễn cưỡng ủng hộ các lệnh trừng phạt trước đây của EU đối với Moscow, bao gồm cả lệnh cấm vận đối với than đá của Nga. Tuy nhiên, ông cho rằng những động thái như vậy gây tổn hại cho EU nhiều hơn so với Nga.
Kể từ khi ông Orban lên nắm quyền vào năm 2010, sự phụ thuộc của Hungary vào năng lượng của Nga ngày càng sâu sắc. Nhà lãnh đạo Hungary lập luận rằng vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này khiến cho việc họ ngừng nhận dầu từ Nga là bất khả thi.
“Như đã nói, các biện pháp trừng phạt đối với than Nga sẽ ổn vì chúng không ảnh hưởng đến Hungary; nhưng bây giờ chúng ta thực sự đã chạm đến một lằn ranh đỏ, bởi vì lệnh cấm vận dầu và khí đốt Nga sẽ hủy hoại chúng ta”, Thủ tướng Orban cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 6/5.
Quốc gia Trung Âu này không giáp biển nên không có cảng biển để nhận các chuyến hàng chở dầu toàn cầu và phải dựa hoàn toàn vào hệ thống đường ống.
Thêm vào đó, chương trình hàng đầu của Chính phủ Hungary, nhằm giảm gánh nặng hóa đơn điện nước cho người dân, phụ thuộc vào chi phí tương đối thấp của nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ Nga. Đặc biệt, chương trình này là một yếu tố chính làm cơ sở cho sự ủng hộ chính trị trong nước dành cho ông Orban.
Việc chuyển đổi các nhà máy lọc dầu và đường ống của Hungary sang xử lý dầu từ các nguồn không phải của Nga sẽ mất 5 năm và đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, ông Orban cho biết. Theo ông, điều đó sẽ tiếp tục đẩy giá năng lượng lên cao, dẫn đến doanh nghiệp phải đóng cửa và nạn thất nghiệp.
Liệu có chỗ cho sự thỏa hiệp?
Ngoài Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đang yêu cầu thêm thời gian để loại bỏ dầu Nga.
Họ cũng muốn được giúp đỡ để đảm bảo nguồn dầu mới và trang bị lại các nhà máy lọc dầu của họ.
Budapest muốn có thời hạn 5 năm để “cai nghiện” dầu Nga và sẽ cần một đường ống dẫn mới hợp tác với Croatia, có đường dẫn ra biển.
Hungary muốn tìm kiếm sự đảm bảo rằng Croatia sẽ cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng mới và EU sẽ cung cấp vốn cho dự án, một nhà ngoại giao nói với Agence France-Presse (AFP).
EC cho biết, họ sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga.
“Chúng tôi thừa nhận rằng Hungary và các quốc gia không giáp biển và có cơ cấu năng lượng phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung dầu của Nga đang ở trong một tình huống rất cụ thể đòi hỏi chúng tôi phải tìm ra các giải pháp cụ thể”, phát ngôn viên của EC, Eric Mamer, cho biết hôm 10/5.
Ông Mamer cho biết, Hungary có “những lo ngại chính đáng” về nguồn cung dầu và kế hoạch loại bỏ dầu Nga của EU có thể bao gồm “các mốc thời gian khác nhau tương ứng với các tình huống khác nhau của các quốc gia cụ thể”.
“Đó chắc chắn là một trong những biến số, bởi vì rõ ràng khi nói đến đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cái cần chính là thời gian”, ông Mamer nói.
Vị phát ngôn viên của EC không nêu rõ những quốc gia nào có thể được phép trì hoãn thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ và trì hoãn trong bao lâu.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 9/5 sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary, bà Von der Leyen cho biết, cuộc thảo luận là “hữu ích để làm rõ các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt và an ninh năng lượng” và tiến bộ đã đạt được nhưng vẫn “cần phải làm việc thêm”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10/5 đã điện đàm với ông Orban về “sự đảm bảo” cần thiết đối với một số quốc gia thành viên, như Hungary, “đang ở trong một tình huống rất cụ thể liên quan đến nguồn cung từ Nga”, theo Văn phòng Tổng thống Pháp.
Quân bài thương lượng
Việc chặn gói trừng phạt có thể được sử dụng như đòn bẩy trong một cuộc xung đột riêng biệt giữa Budapest và EU.
EU đã chặn Hungary tiếp cận khoảng 8 tỷ USD trong quỹ khắc phục hậu quả đại dịch vì một số vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng và đã khởi động một quy trình để chặn các khoản hỗ trợ tiếp theo do Hungary bị cáo buộc vi phạm các nguyên tắc pháp quyền của EU.
Chính phủ của Thủ tướng Orban phủ nhận các cáo buộc và lập luận rằng các hình phạt của EU có động cơ chính trị.
Trong bối cảnh nền kinh tế Hungary đang quay cuồng đối phó với tình trạng lạm phát cao và thâm hụt ngân sách lớn, nước này rất cần khoản hỗ trợ của EU để phục hồi kinh tế.
Khi các quan chức EU đàm phán với Hungary nhằm giành được sự ủng hộ của nước này đối với các biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, việc giải phóng các khoản hỗ trợ bị giữ lại có thể đóng vai trò như một quân bài thương lượng.
Minh Đức (Theo ABC News, Daily Sabah)