Nhà đầu tư nên làm gì khi HoSE ngừng cấp thông tin giao dịch tự doanh?

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 2, 14/02/2022 09:02

Từ ngày 1/3, nhiều đơn vị sẽ không còn công bố dữ liệu về giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán do phía HoSE tạm ngừng cung cấp.

Sau phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi, trên khắp các trang mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang với thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh từ ngày 1/3 tới đây.

Tự doanh mua vào 2,38 tỷ cổ phiếu trên HoSE 

Theo dữ liệu của FiinPro, khối tự doanh năm 2021 mua vào 2,38 tỷ cổ phiếu trên HoSE, trị giá 105.802 tỷ đồng, trong khi bán ra 2,63 tỷ cổ phiếu, trị giá 108.469 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 254,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 2.666 tỷ đồng. Trước đó, khối tự doanh đã có 2 năm liên tiếp mua ròng trong 2019 (57,3 tỷ đồng) và 2020 (262 tỷ đồng). 

Bước sang năm Nhâm Dần, khối tự doanh đã có những phiên mua/bán đan xen. Cụ thể, trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết nguyên đán, khối tự doanh mua ròng các phiên ngày 7/2 (48,84 tỷ đồng); ngày 8/2 (223,6 tỷ đồng) mua nhiều nhất và ngày 11/2, phiên giao dịch cuối tuần đã mua ròng 193,98 tỷ đồng. Các mã được mua ròng lượng lớn có thể kể đến TCB, HPG, VIC, STB, VNM, MBB, MSN... Ở chiều ngược lại, tự doanh bán ròng tổng 587,76 tỷ đồng trong 2 phiên 9/2 và 10/2. Các mã bị bán ròng nhiều là KDH, PVT, ITA, MWG...

Trên thị trường, tự doanh là hoạt động mà các công ty chứng khoán tự dùng vốn để đầu tư cổ phiếu như một nhà đầu tư riêng biệt. Với việc là doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào hoạt động vận hành và cung cấp dịch vụ chứng khoán, giao dịch tự doanh của các công ty này luôn được các nhà đầu tư chú ý.

Theo Trưởng phòng đầu tư, Chứng khoán VPS Nguyễn Khoa Bảo, các công ty chứng khoán có tính đặc thù về việc chủ động trên thị trường và khả năng tiếp cận thông tin nên có những lợi thế nhất định trong việc tự doanh chứng khoán như: nắm được xu thế giao dịch, có thể dự đoán các diễn biến tiếp theo của thị trường, có thể nắm được thông tin về quan hệ cung cầu trên thị trường. Đặc biệt, khi công ty chứng khoán thực hiện tự doanh vì tự giao dịch cho chính công ty nên sẽ không phải lo nghĩ đến phí giao dịch. 

"Hoạt động tự doanh của mỗi công ty chứng khoán được xem là một giao dịch của nhà đầu tư chuyên nghiệp bởi chuyên môn cao và nguồn vốn lớn" - ông Bảo cho hay. Việc tự doanh chứng khoán với quy mô lớn của công ty chứng khoán có thể đem lại cho thị trường những tác động nhất định về giá cả. 

HoSE ngừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh

Trước đây, thông tin về giao dịch tự doanh được HoSE cung cấp qua các gói dịch vụ giữa Sở và đối tác khách hàng theo hợp đồng. Nhà đầu tư cá nhân nhận thông tin này từ các công ty chứng khoán, công ty dịch vụ chứng khoán. Tuy nhiên, từ 1/3 tới, các nhà đầu tư cá nhân sẽ không còn nhận được các thông tin liên quan giao dịch của khối này.

Theo đó, trong thông báo gửi tới khách hàng, FiinGroup - đơn vị cung cấp dữ liệu thị trường cho biết sẽ dừng cập nhật dữ liệu liên quan đến giao dịch của khối tự doanh các công ty chứng khoán kể từ ngày 1/3/2022. Theo thông báo của đơn vị này, HoSE sẽ dừng cung cấp gói dữ liệu tự doanh kể từ ngày 1/3/2022 do một số lý do khách quan từ Sở Giao dịch. Những thông tin về giao dịch của bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán sẽ được cộng gộp vào dữ liệu giao dịch của các tổ chức trong nước.

Đại diện lãnh đạo HoSE cũng đã xác nhận việc thông báo tới các đối tác sử dụng dịch vụ về việc ngừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh của khối các công ty chứng khoán. Lãnh đạo HoSE giải thích, việc dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh sẽ không ảnh hưởng tới vấn đề công bố thông tin của Sở theo quy định. Đây chỉ là nhóm thông tin cung cấp theo gói dịch vụ cho một số khách hàng; tuy nhiên, tới đây HoSE sẽ ngừng cung cấp thông tin này để phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới.

Tài chính - Ngân hàng - Nhà đầu tư nên làm gì khi HoSE ngừng cấp thông tin giao dịch tự doanh?

Từ ngày 1/3, nhiều đơn vị sẽ không còn cung cấp dữ liệu về giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán do phía HoSE tạm ngừng cung cấp.

"Hiện tại, thời hạn hợp đồng cung cấp dịch vụ với khách hàng sẽ hết hiệu lực, vì vậy, để tránh các thay đổi trong hợp đồng ký mới, HoSE đã thông báo tới khách hàng về việc dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh" - đại diện HoSE cho hay.

Trên mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi và phản ứng tiêu cực với thông tin này. Theo các nhà đầu tư này, tự doanh là hoạt động mà công ty chứng khoán đóng vai trò như một nhà đầu tư trên thị trường. Việc mua ròng hay bán ròng của nhóm này được thị trường chú ý bởi phản ánh sự thay đổi kỳ vọng trong ngắn hạn, tác động lớn tới cung - cầu.

Các nhà đầu tư cũng cho rằng giao dịch tự doanh được thực hiện bởi các công ty chứng khoán, họ thường căn cứ dữ liệu tự doanh làm cơ sở để lựa chọn cố phiếu đầu tư mua bán. Do vậy, nếu không cung cấp thông tin giao dịch của khối này nhà đầu tư sẽ thiếu đi một nguồn thông tin tham khảo.

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu - một nhà đầu tư lâu năm tỏ ra bức xúc trong một nhóm trên Facebook khi đọc được thông tin này. Anh Hiếu cho biết thông tin giao dịch tự doanh, bên cạnh các quỹ ngoại, cổ đông lớn... chính là những "cá mập", "lái" thị trường. "Bản thân tôi luôn theo dõi hoạt động tự doanh kết hợp song song với việc tự đầu tư và phân tích thị trường của riêng mình. Thông tin này khiến tôi cảm thấy thị trường thiếu đi tính minh bạch" - anh nói. Anh Hiếu cho rằng nếu thị trường chứng khoán muốn thu hút nhiều nhà đầu tư thì càng cần phải công khai nhiều thông tin. 

Nhà đầu tư cá nhân cần làm gì?

Theo ông Nguyễn Khoa Bảo, bên cạnh các dữ liệu về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, dữ liệu về hoạt động giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán cũng làm một trong những mối quan tâm lớn của không ít nhà đầu tư.

Ông cho biết, trên thực tế, hoạt động tự doanh là một trong những hạng mục mang lại khoản tiền lời không nhỏ cho nhiều công ty chứng khoán những năm qua. "Công ty chứng khoán vừa là bên cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư, được tiếp cận trước nhiều thông tin quan trọng, nhưng cũng vừa mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán, cạnh tranh trực tiếp với các khách hàng" - ông Bảo thông tin. 

Tài chính - Ngân hàng - Nhà đầu tư nên làm gì khi HoSE ngừng cấp thông tin giao dịch tự doanh? (Hình 2).

Nhà đầu tư nên học hỏi, tự cải thiện, tích lũy các kiến thức, phương pháp đầu tư, đặc biệt là chủ động tìm hiểu rõ các doanh nghiệp mình "xuống tiền" mua cổ phiếu.

Thực tế, theo quy định, thông tin giao dịch tự doanh là nhóm thông tin thuộc gói dịch vụ thông tin giữa HoSE và đối tác khách hàng theo hợp đồng. Thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán không thuộc nội dung công bố thông tin về giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán, theo định tại Điều 37, Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Do vậy, việc dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh sẽ không ảnh hưởng tới thông tin mà HoSE công bố ra thị trường theo quy định.

Ông Bảo nhận định, nhà đầu tư không cần lo lắng nhiều trước thông tin này và đánh giá tiêu cực về tính minh bạch của thị trường, bởi theo thông tin từ HoSE, đây chỉ là "quãng nghỉ" để phát triển các sản phẩm mới, phù hợp với định hướng quản lý thị trường.

Thay vào đó, ông Bảo cho rằng nhà đầu tư nên học hỏi, tự cải thiện, tích lũy các kiến thức, phương pháp đầu tư, đặc biệt là chủ động tìm hiểu rõ các doanh nghiệp mình "xuống tiền" mua cổ phiếu, thay vì mua - bán theo các "lái". "Ngoài ra, có thể tìm thêm hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm, các chuyên gia hoặc báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán uy tín..." - ông nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.