Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan. Ảnh: Getty
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 25/2 kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đưa dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD ra bỏ phiếu tại Hạ viện. Ông Sullivan cho rằng, dự luật này - đã được Thượng viện thông qua - có thể giúp Ukraine "lật ngược tình thế" trong xung đột với Nga.
"Đây là một trong những trường hợp mà một người có thể tạo ra bước ngoặt lịch sử. Nếu đưa dự luật trị giá 95 tỷ USD ra bỏ phiếu tại Hạ viện, ông Johnson sẽ tạo ra một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng mạnh mẽ để ủng hộ viện trợ cho Ukraine. Chúng tôi đã thấy điều đó tại Thượng viện", ABC News dẫn lời ông Sullivan.
"Vấn đề có thể được giải quyết vì nó nằm trong thẩm quyền của một người, đó là ông Johnson. Liệu ông ấy có đưa dự luật ra bỏ phiếu tại Hạ viện? Tôi đã nói chuyện riêng với ông ấy. Ông Johnson chỉ ra rằng ông ấy muốn có khoản viện trợ cho Ukraine và đang cố gắng tìm cách giải quyết. Lúc này, điều quan trọng là ông ấy thực sự sẵn sàng đứng lên và thực hiện trách nhiệm vào thời điểm quan trọng này. Lịch sử đang dõi theo ông ấy", cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng nói.
Theo ABC News, chủ tịch Hạ viện Mỹ lên tiếng ủng hộ Ukraine nhưng không ủng hộ dự luật 95 tỷ USD của Washington nhằm viện trợ cho Ukraine, Israel, Đài Loan (Trung Quốc).
Cũng trong ngày 25/2, Martha Raddatz, người dẫn chương trình This Week của ABC News, đã hỏi ông Sullivan về cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè năm ngoái. Từ các thông tin thu thập được, Raddatz cho biết, Ukraine cho rằng thất bại đó là do "họ không được huấn luyện và trang bị chiến đấu như mong muốn".
"Tôi có thể hiểu sự thất vọng và nỗi đau mà họ phải trải qua", ông Sullivan nói. "Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã chuyển cho Ukraine tất cả các thiết bị, đạn pháo và vũ khí, tên lửa mà Kiev yêu cầu trước cuộc phản công. Nếu bạn nhìn vào tổng số những gì Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột này thì đó là một khối lượng vật chất đáng kinh ngạc được chuyển giao với tốc độ, quy mô vượt xa mong đợi. Vì vậy, ý kiến cho rằng chúng tôi không huy động lượng lớn nguồn lực và khả năng để cung cấp cho người Ukraine là không chính xác".
Người dẫn chương trình Raddatz cũng nhắc đến việc Mỹ ngày càng tăng cường cung cấp một số vũ khí quan trọng cho Ukraine như xe tăng Abrams và chiến đấu cơ F-16, dù trước đó Washington cho rằng Kiev không cần các vũ khí đó.
Bình luận về điều này, ông Sullivan cho rằng, ở giai đoạn đầu, "không có nhiều phi công Ukraine lái được chiến đấu cơ F-16". Vì vậy, việc cung cấp F-16 khi đó không phải vấn đề chính.
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng cũng bảo vệ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga. Người dẫn chương trình Raddatz cũng đặt câu hỏi liệu các lệnh trừng phạt trước đó có đủ sức răn đe Moscow hay không và vì sao lại mất nhiều thời gian để đưa ra các lệnh trừng phạt như vậy.
Ông Sullivan cho rằng các lệnh trừng phạt nhằm mục đích "làm giảm khả năng Nga có lợi nhuận để dồn sức cho xung đột ở Ukraine", cũng như làm suy yếu các cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga và "buộc những người cụ thể phải chịu trách nhiệm về cái chết của chính trị gia Nga Navalny.
"Các biện pháp trừng phạt có thể đóng góp vào một kết quả chiến lược và chúng tôi sẽ kiên nhẫn, quyết tâm và không ngừng áp dụng chúng", ông Sullivan nói.
Nguyễn Thái - ABC News