Nhà văn nửa thế kỷ

Nhà văn nửa thế kỷ "quên mình" vì "mầm non" đất nước

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Ông là một trong số ít nhà văn dành cả cuộc đời để sáng tác cho thiếu nhi. Số đầu sách ông viết đã xuất bản gần bằng số tuổi đời của mình.

Đến phố Trương Hán Siêu hỏi nhà ông ai cũng biết. Căn hộ nằm trên tầng 5 ở một khu tập thể cũ. Trước khi tiếp chuyện tôi, Phong Thu cười bảo phải chờ ông thay pin cho máy trợ thính. Tai ông đã kém, không có nó thì không nghe rõ. Nhà văn chuyên viết chuyện cho thiếu nhi hồn hậu và gần gũi như thế.

Xã hội - Nhà văn nửa thế kỷ 'quên mình' vì 'mầm non' đất nước

Tuổi đã cao nhưng Phong Thu vẫn miệt mài sáng tác

Từ nhà giáo đến nhà văn

Quê ông vốn ở Thái Bình. Năm 1952, ông lên Mai Châu dạy cấp tiểu học cho các em nhỏ vùng cao. Về xã làm trưởng giáo, chỉ có mình ông dạy văn hóa. Hôm khai giảng, lớp học chỉ có 7 em, tuổi lại so lệch. Em nhỏ nhất 7 tuổi, còn lớn nhất đã 15, lại không biết tiếng Kinh. Ông kể: "Hồi đó thiếu thốn đủ thứ: Không có trường lớp phải học nhờ nhà sàn của dân, dùng than làm phấn, dùng cánh cửa thay bảng. Biết học trò đi học không có vở, bút, thương các em tôi mua phát cho chúng. Vừa dạy văn hóa, dạy tiếng Kinh, ông cũng phải học cả tiếng dân tộc. Cùng học, cùng lao động rồi sinh hoạt với các em nên ông rất hiểu tâm tư học sinh.

Sau ông chuyển công tác, về làm cán bộ giáo dục ở huyện rồi ty. Đến năm 1960 lại chuyển lên Bộ Giáo dục phụ trách các trường sư phạm miền núi. Vậy là từ lúc làm giáo viên tiểu học đến lúc kết thúc công tác ở bộ (1964), 12 năm liền ông gắn bó với ngành giáo dục. Trong khoảng thời gian hơn chục năm ấy, tình cảm yêu mến dành cho các em nhỏ cứ lớn lên từng ngày. Phong Thu quyết định xin về làm phóng viên báo Thiếu niên tiền phong. Có điều kiện về Hà Nội, được tự do tung tăng, ông có thời gian chuyên tâm đi và viết nhiều hơn.

Điều kiện đất nước những năm trước đổi mới có nhiều khó khăn, ông làm phóng viên, phải đi nhiều nơi, nhưng phương tiện đi lại chỉ có chiếc xe đạp. Thế mà không quản đường xa, ông đi khắp các tỉnh. Gần thì có Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang, xa hơn là Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, còn chưa kể đến Quảng Bình, Vĩnh Linh. Không quản khó nhọc, xa xôi, Phong Thu cứ lặng lẽ dùng vòng quay của những bánh xe đưa mình đến nơi cần đến. Ông bảo đã viết cho thiếu nhi thì phải sống với các cháu. Không hiểu chúng thì không thể cầm bút viết.

Từ những chuyến đi thực tế, sáng tác ông viết cho trẻ nhỏ cứ nối tiếp nhau ra đời. Truyện, thơ Phong Thu viết vừa ngắn, vừa nhẹ nhàng, đơn giản để trẻ em dễ hiểu và nhớ lâu. Mỗi truyện ông viết đều truyền tải một thông điệp giáo dục. Nhưng nhà văn viết khéo, ý nghĩa giáo dục ấy được lẩn vào trong câu chữ. Thông qua những tình huống trong sinh hoạt, những mối quan hệ đời thường, ông gửi gắm những điều muốn nhắn nhủ. Đó là về tình bạn, hiếu đễ, là các đức tính như dũng cảm, trung thực, yêu thương, đồng cảm... từ đó góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng tâm hồn non nớt của các em.

Tình yêu thương dành cho trẻ nhỏ cũng xuất phát từ chính tuổi thơ nhà văn. Trong gia đình ông là anh cả của ba đứa em. Mới lên 10, đôi vai nhỏ bé ấy vừa đi học vừa chăm em. Vậy mà Phong Thu đều hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ. Thời đi học, ông học văn rất giỏi. Niềm yêu thích văn chương của ông được nuôi dưỡng từ những người thầy rất tâm huyết với nghề. Mong muốn được viết và sáng tác của Phong Thu được nảy mầm tự nhiên như thế.

Cây bút đầy nội lực

Truyện đầu tiên Phong Thu viết cho thiếu nhi ra đời năm 1955, có nhan đề Cái mỏ phấn. Ngay từ lúc đó, ông đã tự ý thức sẽ chỉ viết cho thiếu nhi. Từ đó đến nay đã 57 năm, chưa bao giờ ông ngừng viết, ngay cả khi đã về hưu.

Những ai đã trải qua thời niên thiếu sẽ không xa lạ với: Hoa mướp vàng, Cánh tay khổng lồ, Cua đồng thức giấc, Xe lu và xe ca, Bức tường có nhiều phép lạ, Bồ nông có hiếu... Đó là những truyện đã in sâu vào tâm trí tuổi thơ của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Cua đồng thức giấc là câu chuyện về mẹ con nhà cua khi buổi sáng mở mắt ra thấy máy nổ, ánh đèn pha, máy cày ruộng. Bác trâu nhờ thế sẽ được nghỉ ngơi. Đó là niềm vui về cách làm ăn mới của người nông dân. Cánh tay khổng lồ là truyện về tình yêu lao động: Anh chàng cần cẩu cứ nơi nào cần cất nhắc là anh sẽ đi. Hoa mướp vàng lại là câu chuyện về lòng tương ái: Hai chú cháu đi sơ tán có trồng một cây mướp. Đến lúc cây ra quả cũng là lúc phải chuyển nhà. Hai chú cháu bàn nhau rằng, mình không ăn thì sẽ để cho người khác ăn.

Với Phong Thu, viết cho trẻ em sẽ không bao giờ hết chuyện. Bất chợt nảy ra ý tưởng gì là ông cầm bút ngay. Có lần xếp hàng chờ mua vé tàu, trong đầu chợt nảy ra ý hay ông ngồi xuống viết luôn. Giờ do sức khỏe không đi xa được ông quan sát ngay trong cuộc sống hàng ngày. Từ cháu bé nhà hàng xóm đang chập chững biết đi, những học sinh ông gặp trên đường đến ngay chính con cháu trong nhà mình. Cứ đi trên đường thấy trẻ nhỏ là ông lại để ý, phải nhìn, ngắm chúng.

Hàng năm vào ngày khai giảng, ông đều đến trường học. Ông không vào trong ngồi ghế đại biểu mà đứng ở cổng chăm chú quan sát. Lúc ở trường này, khi lại ở trường khác. Ông để ý khung cảnh học sinh vào trường, cách chúng trò chuyện với nhau, những trò nghịch ngợm chúng bày ra để hiểu các em nhỏ hơn. Ông bảo bây giờ không có những phong trào kế hoạch nhỏ, nghìn việc tốt, đội thiếu niên tiền phong như trước nên ông cũng phải đổi cách viết.

Cuốn sách Ước mơ viết văn, viết truyện của Phong Thu được nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt năm 2012. Đây là cuốn sách ông đã ấp ủ từ nhiều năm trước. Thấy các em nhỏ thích viết văn nên ông nghĩ phải viết một cuốn sách nhỏ để hướng dẫn, khơi gợi. Trăn trở mãi với ý định này, cuối cùng năm nay sách đã xuất bản. Ông chia thành 15 chương, mỗi chương đều ngắn gọn, dễ hiểu. Ông nhắn nhủ thông qua những câu chuyện, chứ không dùng lý luận khô khan. Ông dạy các em muốn viết văn phải hiểu nhiều, biết nhiều, đọc nhiều sách.

Ông kể câu chuyện: Một em bé vào hiệu sách thấy một nhà văn mua sách dạy nuôi gà và chữa bệnh giun sán. Em bé thắc mắc hỏi: "Bác là nhà văn sao bác lại đọc sách này?". Nhà văn trả lời rằng, chính vì để viết văn nên phải đọc. Phong Thu bảo trẻ em chóng chán, tư duy không logic nên phải viết ngắn, dễ hiểu chúng mới hứng thú. Ông còn đề nghị nhà xuất bản không in khổ to mà in khổ nhỏ để các em dễ mang.

Hơn nửa thế kỷ sáng tác, đầu sách xuất bản của Phong Thu lên đến con số hơn 70 cuốn. Nhiều sáng tác của ông được chuyển thể rất thành công: 28 bài thơ được phổ nhạc, được quay phim 80 kịch bản hoạt hình, 1 phim truyện thiếu nhi. Những năm còn công tác, ông cộng tác từ 20 đến 30 tờ báo vừa viết bài, vừa viết thơ, truyện ngắn cho thiếu nhi.

Về hưu năm 1994, những tưởng ông sẽ dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, giữ sức khỏe. Nhưng từ đó đến nay đã 18 năm, ông chưa bao giờ ngừng viết. Có năm, Phong Thu viết đến hơn 200 bài báo. Mắt ông kém, đọc sách phải dùng kính lúp, tai cũng phải có trợ thính nhưng sức viết giảm không đáng kể.

Năm 2012 này, ông viết đến 90 bài báo, cho ra mắt 2 cuốn sách: Ước mơ viết văn - viết truyện và Rừng xanh bí ẩn. Khả năng làm việc không biết mệt mỏi của Phong Thu cho thấy ông viết vẫn khỏe. Đó cũng là mong muốn của ông: "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ngừng viết, ngay thời điểm này tôi đã nghĩ viết bài cho báo tết".

Thanh Loan