Cống hiến đến hơi thở cuối cùng
Nhạc sĩ Văn Ký qua đời sáng 26/10, hưởng thọ 92 tuổi. Là tên tuổi lớn của nền âm nhạc cách mạng, đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đến thời bình, nhạc sĩ vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Biết tin ông rời "cõi tạm" nhiều nhạc sĩ đã không khỏi tiếc thương.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho hay: "Bác Văn Ký là người mà tôi luôn nể trọng, bác chơi khá thân với bố tôi là nhạc sĩ Đỗ Nhuận, 2 gia đình vẫn có mối quan hệ thân thiết nên khi nghe tin bác ra đi, tôi bàng hoàng, buồn bã. Cách đây mấy tháng, khi gặp bác, bác vẫn con rất vui vẻ, minh mẫn.
Tôi luôn nhớ về bác là một người nhạc sĩ chăm chỉ, thông minh. Bác dạy cho thế hệ chúng tôi cách yêu công việc, yêu âm nhạc và đam mê đến cháy bỏng. Ngày nhỏ, tôi thường cùng bố đến nhà bác ở phố Huế để chơi, bác vẫn sáng tác hàng ngày. Bác luôn lạc quan trước mọi sự việc. Có lẽ, từ những hình ảnh ấy của bác, của bố đã đưa chúng tôi vào con đường âm nhạc như bây giờ".
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết thêm: "Dù tuổi đã cao nhưng bác vẫn sáng tác, ít ai biết rằng một nhạc sĩ già hơn 90 tuổi hàng ngày vẫn miệt mài ngồi vào bàn làm việc. Tác phẩm viết cho thanh niên Bay lên Việt Nam nhạc sĩ Văn Ký viết khi đã trên 80 tuổi cho thấy, sức sáng tạo và vươn lên đáng nể phục của bác".
Vào hồi tháng 5/2020, chia sẻ trong chương trình truyền hình Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhạc sĩ Văn Ký cho biết: "Hàng ngày tôi vẫn sáng tác. Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ". Theo đó, ông cho biết, ông vừa phổ nhạc bài thơ Covid phải lùi xa của tác giả Lê Chín. Bài hát có giai điệu vui tươi, nói về niềm tin dập tắt đại dịch, mong mọi người chiến thắng được bệnh Covid- 19. Bài hát này đã được ông chuyển cho NSƯT Minh Quang thể hiện.
Chia sẻ những kỷ niệm về nhạc sĩ Văn Ký, NSƯT Minh Quang cho hay: "Ông có thói quen tập thể thao, tập yoga, luyện võ nên ông rất minh mẫn. Vợ ông đã mất nhiều năm trước, ông sống một mình trong căn hộ gần nhà con trai, tự chăm lo cuộc sống hàng ngày và những ngày cuối đời, ông vẫn sáng tác âm nhạc, coi âm nhạc là người bạn của mình...".
Năm 2018, ông cùng nhà thơ Lê Chín, NSƯT Minh Quang đi công tác ở Đà Lạt. Khi làm thủ tục lên máy bay, nhân viên hàng không tỏ ý ái ngại nhạc sĩ cao tuổi, ông cười ha hả nói: "Tớ không có tuổi", "Tớ khỏe lắm, lúc nào cũng là thanh niên". Trong chuyến đi ấy, ông xúc động vì được gặp con gái cố ca sĩ Khánh Vân - người đầu tiên thể hiện Bài ca hi vọng của ông. Từ Đà Lạt, ông còn cùng bạn bè đi xe ôtô rong ruổi vào Sài Gòn, về miền Tây chơi.
Theo lời kể của tác giả Nguyễn Ngọc Phan, quê gốc của nhạc sĩ Văn Ký là ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong một gia đình có bốn anh em. Bố là thầy đồ dạy học ở làng, mẹ làm nghề nông. Gia đình nghèo nên khi mới lớn, bà nội đón Văn Ký vào Thanh Hóa nuôi, cho ăn học, chiều chiều đi chăn trâu cắt cỏ đỡ bà. Theo ông Phan, có lẽ chính vì tuổi thơ vất vả, thiếu thốn ấy đã hun đúc cho nhạc sĩ Văn Ký một tình yêu âm nhạc hiếm ai có.
Văn Ký say mê âm nhạc từ bé, khi học phổ thông đã rủ hai người bạn mua sách nhạc lý của "Tây" để cùng tự học. Năm 1946, lúc 18 tuổi đã sáng tác bài Trăng xưa - một tác phẩm âm nhạc đầu tay nói về mối tình lãng mạn tuổi học trò. Sau đó ông tham gia hoạt động Việt Minh và vừa chiến đấu, vừa sáng tác. Với tình yêu âm nhạc, ông được cấp trên cho đi học lớp bồi dưỡng văn hóa văn nghệ ở liên khu. Từ đó, con đường âm nhạc đã theo nhạc sĩ Văn Ký đến cuối đời.
Bài hát Bài ca hy vọng được nhạc sĩ Văn Ký sáng tác năm 1958 khi đất nước còn chiến tranh hai miền chưa được thống nhất. Nhạc sĩ Thuỵ Kha cho hay, bài hát này đã làm nên tên tuổi của Văn Ký và được nhân dân cả nước thuộc như một bản anh hùng ca của thời đại.
Ngoài Bài ca hy vọng, bài Tây Nguyên bất khuất của nhạc sĩ gốc Nam Định cũng được nhiều người yêu mến. Theo đó, Tây Nguyên bất khuất được sáng tác năm 1959, bài hát đạt giải nhất sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1960. Văn Ký được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2001), huân chương Độc lập hạng Ba (1961), huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, và nhiều huy chương khác.