Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gần đây tới Ukraine gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine đã kéo dài được 6 tháng, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là nhân tố chủ chốt trong khi duy trì lập trường cân bằng giữa phương Tây ủng hộ Ukraine và Nga.
Ankara có ảnh hưởng ở nhiều mặt, từ hợp tác an ninh với Ukraine đến hợp tác năng lượng với Nga và vai trò trung gian ngoại giao giữa Kiev và Moscow.
Chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện cho các chuyến hàng ngũ cốc rời cảng của Ukraine vào ngày 1/8, là lần đầu tiên Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua đường biển kể từ cuộc xung đột.
Cách tiếp cận ngày càng chủ động này đã mang lại cơ hội lớn và cả thách thức cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cung cấp cho phương Tây kinh nghiệm về cách đối phó hiệu quả nhất với Nga, theo Eugene Chausovsky, chuyên gia phân tích tại Viện Newlines ở Washington D.C, Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tận dụng vị trí chiến lược của nước này tại ngã tư liên lục địa giữa châu Âu và châu Á. Ankara đóng vai trò như một hành lang trung chuyển cho các nguồn cung cấp năng lượng và lương thực. Hành lang này càng trở nên quan trọng hơn do sự gián đoạn kinh tế và thương mại trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên quan trọng trong liên minh quân sự NATO nhưng lại hoạt động độc lập, đôi khi đi ngược lại với chính sách và chiến lược của Mỹ và các đồng minh phương Tây, như việc xây dựng mối quan hệ với các quốc gia đối thủ như Nga và Iran.
Ông Erdogan tới Sochi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng này.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Ankara đã tận dụng cả hai hình thức kết nối để nâng cao vị thế, trở thành một cường quốc trong khu vực, vừa tạo ra mối lo ngại với phương Tây, vừa cạnh tranh với Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp một lượng lớn các loại vũ khí cho Ukraine, bao gồm máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2. Mẫu UAV này đã chứng minh sự hiệu quả ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, giúp các lực lượng Ukraine đáp trả Nga.
Bên cạnh đó, Ankara không tham gia vào các đòn trừng phạt Nga của phương Tây. Ông Erdogan còn thậm chí thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác năng lượng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ khi tới Sochi để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 5/8, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đa dạng nguồn cung khí đốt, giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Hai tuần sau khi gặp ông Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tới Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Điều này khác biệt với các nhà lãnh đạo phương Tây vốn chỉ thăm Kiev để thể hiện sự ủng hộ Ukraine mà không muốn lắng nghe quan điểm của ông Putin ở Moscow.
Phát biểu tại thành phố Lviv, Ukraine, ông Erdogan nhấn mạnh sự cần thiết của việc đạt thỏa thuận ngoại giao giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cách để đạt được điều này là quay trở lại các cuộc đàm phán dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau từ các cuộc đàm phán ở Istanbul hồi tháng 3.
"Cá nhân tôi tin rằng, cuộc xung đột này sẽ sớm kết thúc trên bàn đàm phán. Thực ra, ông Zelensky và Tổng thư ký LHQ Guetteres đã đồng ý như vậy. Vấn đề chỉ là xác định con đường ngắn nhất và công bằng nhất để tiến tới bàn đàm phán", ông Erdogan nói.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng đóng vai trò điều phối viên hoặc nhà trung gian hòa giải để cung cấp tất cả các hình thức hỗ trợ giúp các bên đạt được mục tiêu này", ông Erdogan nhấn mạnh.
Thỏa thuận Nga - Ukraine về ngũ cốc được coi là điểm sáng lớn nhất cho đến nay trong cuộc xung đột.
Dù né tránh việc trừng phạt Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lại công khai ủng hộ chính sách viện trợ quân sự cho Ukraine của NATO, đồng thời vẫn đang gây sức ép với Phần Lan và Thụy điển - hai quốc gia đang chờ gia nhập NATO.
Hành động "lúc thế này, lúc thế khác" của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây tổn hại đến uy tín trong liên minh. Nhưng trước mắt, Ankara vẫn là thành viên không thể thiếu của NATO, theo chuyên gia Chausovsky.
Có lẽ vai trò quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đến nay là trung gian hòa giải về vấn đề xuất khẩu lương thực và ngũ cốc. Điều mà Nga và Ukraine đã mâu thuẫn suốt nhiều tháng.
Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Liên Hợp Quốc, thuyết phục được Nga và Ukraine, từ đó thành lập một trung tâm điều phối ngũ cốc ở Istanbul.
Phần lớn lương thực và ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine (cũng như từ Nga) phải đi qua vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen và eo biển Bosphorus để tiếp cận thị trường toàn cầu ở Trung Đông, châu Phi và nhiều nơi khác.
Nhờ vai trò là thành viên NATO nhưng lại có quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ có đủ tin cậy để đảm bảo rằng tàu hàng di chuyển một cách an toàn rời Biển Đen.
Trong thỏa thuận này, cả Nga và Ukraine đều được hưởng lợi dù hai nước vẫn chưa xây dựng được niềm tin. Nếu không phải là một quốc gia trung lập như Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, kết quả có thể không khả quan như vậy, theo chuyên gia Chausovsky.
Cách tiếp cận kết nối chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra những lợi ích đáng kể, cho phép Ankara không chỉ mở khóa nguồn cung cấp lương thực quan trọng cho toàn cầu, mà còn củng cố uy tín ngoại giao trong quá trình này.
Tuy nhiên, không phải là không có thách thức trong các nỗ lực này. Nga một mặt đồng ý hợp tác, mặt khác vẫn luôn tỏ thái độ có thể hành động trái ngược lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ bất cứ lúc nào.
Hôm 9/8, Nga đã đưa ra cảnh báo về khả năng không kích phá hủy một nhà máy chế tạo UAV Bayraktar mà Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ Ukraine xây dựng.
Năng lực duy trì quan hệ cân bằng giữa phương Tây và Nga của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có giới hạn, vì Washington vẫn đang áp đặt các lệnh trừng phạt Ankara liên quan đến việc đồng minh hợp tác với Nga về lĩnh vực quốc phòng.
Nhưng ít nhất, các chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tạo ra kết quả tốt đẹp trong cuộc xung đột ở Ukraine. Hàng chục tàu chở ngũ cốc đã khởi hành từ Ukraine, trong khi các quan chức Ukraine muốn mở rộng thỏa thuận sang các lĩnh vực xuất khẩu khác như kim loại, khoáng sản.
Các bước tiến này là bài học quan trọng mà phương Tây cần nhìn nhận khi đưa ra cách đối phó với Nga, theo chuyên gia Chausovsky.
Điều này khác biệt so với việc Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt và Nga đáp trả bằng các quân bài năng lượng. Đến cuối cùng, Nga và phương Tây đang tự làm tổn hại lẫn nhau, như một cách để so găng xem bên nào sẽ chịu lùi bước trước.
Theo chuyên gia Chausovsky, cách tiếp cận như vậy không mang tính xây dựng, ngược lại còn làm tăng vọt lạm phát ở nhiều quốc gia, gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới.
Chuyên gia Chausovsky nói phương Tây có lý do để đứng về phía Ukraine nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Nga, nhưng điều quan trọng là phải nhìn nhận thẳng thắn về sự kết nối trong nhiều mặt.
Cách tiếp cận vừa gây sức ép, vừa mang tính xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ lại đang tỏ ra hiệu quả hơn trong vấn đề Ukraine. Đây là điều mà Mỹ và EU cần học tập và thích ứng để đưa ra chiến lược mới, chỉ như vậy mới giảm thiểu hệ quả tiêu cực từ xung đột và xây dựng nền móng cho hòa bình, chuyên gia Chausovsky kết luận.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp