Theo India Today, thông tin được Google xác nhận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Công nghệ Thông tin Ấn Độ.
Google thừa nhận cho nhân viên nghe các câu lệnh giữa người dùng, cho trợ lý ảo sử dụng micro trên điện thoại hoặc loa thông minh để ghi âm dù chưa được kích hoạt.
Năm 2019, Google tuyên bố cho nhân viên nghe các câu lệnh giữa người dùng với Assistant để cải thiện tính năng nhận diện giọng nói. Hãng này khẳng định chỉ cho nghe một phần nhỏ âm thanh (khoảng 0,2%), bỏ đi những cuộc trò chuyện nhạy cảm dù không nói rõ tiêu chí phân loại.
Ban hội thẩm do ông Shashi Tharoor đứng đầu cho rằng việc ghi âm câu lệnh người dùng với Google Assistant là vi phạm quyền riêng tư. Thành viên trong ban cũng yêu cầu các công ty công nghệ, bao gồm Google khắc phục mọi lỗ hổng trong cơ chế bảo mật dữ liệu hiện có.
Đầu năm 2019, một báo cáo của hãng tin Bloomberg cho biết Amazon cũng đã âm thầm nghe lén và ghi âm một số cuộc nói chuyện của người dùng thông qua trợ lý ảo Alexa tích hợp trên loa thông minh Echo của hãng.
Amazon sau đó đã xác nhận điều này và cho biết đã ghi âm một số lượng nhỏ các truy vấn của người dùng để giúp cải thiện khả năng phản hồi của trí tuệ nhân tạo. Amazon cho biết người dùng có thể xem xét lại những nội dung mà hãng đã ghi âm và có thể xóa đi các nội dung này nếu muốn.
Cùng trong năm này, một trong những nhân viên nghe lệnh của Google đã rò rỉ các file âm thanh cho một tờ báo của Bỉ.
Chính sách quyền riêng tư của Google cho biết đôi khi, trợ lý ảo sẽ kích hoạt nhầm do phân tích sai âm thanh xung quanh giống câu lệnh "OK Google". Nếu điều đó xảy ra, người dùng chỉ cần nói "không liên quan đến bạn" và đoạn ghi âm sẽ được xóa.
Diệu Minh (India Today)