Đến trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội), PV báo Người Đưa Tin như cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, nhanh chóng của các nhân viên BOT tại đây. Họ làm việc luôn tay không ngừng nghỉ dù cho đồng hồ đã điểm 12h.
Vừa hoàn thành công việc sau một ca làm việc, cô gái trẻ xinh xắn Trương Yến Ngọc (SN 1992) trở lại phòng nghỉ ngơi và dành thời gian trò chuyện với PV. Mở đầu buổi trò chuyện, Yến Ngọc vui vẻ nói về cơ duyên mình đến với nghề. “Khi đó, tôi được bạn bè giới thiệu nên cứ nộp hồ sơ ứng tuyển chứ trong đầu chưa hề có một chút khái niệm nào về công việc, chỉ nghe kể rằng mỗi lần đi qua trạm thấy nữ nhân viên nở một nụ cười tươi trên môi. Thấy thú vị và muốn được trải nghiệm nên tôi quyết định xa gia đình lên Hà Nội làm việc”, cô kể.

Nữ nhân viên Yến Ngọc chia sẻ về công việc thu phí.
Khi làm nhân viên thu phí BOT, Yến Ngọc không nghĩ rằng mình sẽ theo nghề lâu dài, nhưng đến thời điểm hiện tại cô đã có 2 năm kinh nghiệm. Với cô gái trẻ này, thời gian qua làm việc tại trạm thu phí BOT, cô đã học hỏi được rất nhiều điều.
Chia sẻ về những khó khăn, Yến Ngọc bày tỏ rằng nghề nào cũng có những nỗi nhọc nhằn, vất vả riêng. Nhưng với công việc này bị tài xế mắng chửi, phàn nàn hoặc bị trêu chọc là chuyện như cơm bữa.
Nữ nhân viên xinh xắn bộc bạch: “Nếu thoạt nhìn vào mọi người sẽ nghĩ công việc này chẳng có gì vất vả, chỉ việc ngồi trong cabin, xe đi qua thì đưa thẻ xe, đưa tiền thừa cho tài xế là được. Nhưng chỉ những người trong nghề mới hiểu, làm việc này đòi hỏi phải tập trung cao độ, nhanh tay. Mỗi chiếc xe đi qua trạm BOT họ chỉ dừng lại một vài giây hoặc vài chục giây, nếu nhân viên không đưa vé xe nhanh sẽ dẫn đến tắc đường, người phía sau bấm còi inh ỏi, thậm chí không ít người chửi chúng tôi thậm tệ”.
Còn đối với nam nhân viên Nguyễn Thanh Tùng (SN 1993, quê Nam Định) thì công việc thu phí BOT đến với anh một cách tình cờ. “Khi mới vào nghề, chưa quen việc nên tôi gặp không ít khó khăn, thậm chí thấy áp lực trong việc phải làm sao đưa được vé và thanh toán tiền thừa cho tài xế một cách nhanh nhất. Thời gian trôi đi, được sự hướng dẫn nhiệt tình của các anh chị đi trước, tôi dần quen với công việc”, Thanh Tùng cho biết.

Nhân viên Nguyễn Thanh Tùng đang nhanh tay quẹt thẻ xe cho khách.
Trải lòng về công việc thường nhật, Tùng nói: “Làm việc tiếp xúc với nhiều khách hàng, chúng tôi gặp không ít những tình huống tai bay vạ gió. Đôi khi là những lời nói mỉa mai, xúc phạm của người đi đường”. Thanh Tùng nhớ lại: “Có tài xế đến chỗ tôi trước nhưng cố tình chơi khó bằng việc đưa một tờ tiền quá lớn khiến tôi phải vất vả đếm tiền đưa lại. Khi thấy xe dừng lại quá lâu những người tài xế phía sau bấm còi, nói những lời khiếm nhã với nhân viên thu phí. Dù rất giận nhưng chúng tôi vẫn phải nhẫn nhịn”.
Cũng như Yến Ngọc, Thanh Tùng, cô gái Nguyễn Thị Minh Thúy (SN 1996) từng có 2 năm gắn bó với nghề cũng không giấu nổi những trăn trở: “Thi thoảng tôi cũng gặp những tài xế khó tính, hoặc say xỉn dùng những lời lẽ khiếm nhã với nhân viên BOT. Cách phàn nàn của họ khiến chúng tôi cũng cảm thấy bị tổn thương”.
(Còn nữa)
Vân Anh - Thanh Lam