Nhật Bản hôm 22/9 thông báo rằng họ sẽ dỡ bỏ các hạn chế cứng rắn liên quan đến Covid-19 đối với khách nước ngoài, mở cửa trở lại biên giới sau một thời gian dài khép mình.
Đây là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch của Nhật Bản, vốn đang mong muốn tận dụng sự trượt giá của đồng Yên xuống mức thấp nhất trong 24 năm.
Phát biểu tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York hôm 22/9, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết đại dịch đã làm gián đoạn dòng vốn và dòng lưu chuyển tự do của người và hàng hóa, vốn đã giúp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ.
“Nhưng từ ngày 11/10, Nhật Bản sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới ngang bằng với Mỹ, cũng như nối lại các hoạt động du lịch miễn thị thực và du lịch cá nhân”, ông Kishida, người đang có mặt tại thành phố New York để dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cho biết.
Trong số các nền kinh tế lớn, Nhật Bản là nước đã duy trì một số biện pháp biên giới nghiêm ngặt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, khiến thị trường này hoàn toàn vắng bóng du khách quốc tế trong 2 năm cho đến khi bắt đầu mở cửa dần trở lại từ tháng 6 vừa qua.
Khi đó, Nhật Bản đã yêu cầu du khách phải có thị thực để nhập cảnh vào đất nước này, và phải đi theo các chuyến du lịch trọn gói đã lên kế hoạch trước. Trước đại dịch, Nhật Bản đã có thỏa thuận miễn thị thực với gần 70 quốc gia và khu vực, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước láng giềng châu Á.
Các nhà vận động doanh nghiệp và các hãng lữ hành đã thúc giục chính phủ Nhật Bản nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nhanh chóng hơn, cho rằng nền kinh tế số 3 thế giới đã “lạc nhịp” so với các đối tác thương mại lớn, và điều này có thể khiến “xứ sở hoa anh đào” tụt hậu về kinh tế.
Cánh cửa đã mở rộng hơn
Việc đồng tiền của Nhật Bản suy yếu, ở mức 145 Yên đổi 1 USD hôm 22/9, đang tạo cơ hội khách quốc tế tới đất nước này được du lịch và mua sắm với chi phí rẻ hơn.
Như Thủ tướng Kishida thông báo, từ ngày 11/10, Nhật Bản sẽ khôi phục hoạt động du lịch cá nhân và du lịch miễn thị thực cho người dân đến từ một số quốc gia miễn là họ được tiêm chủng đầy đủ.
Đồng thời, Nhật Bản cũng sẽ loại bỏ giới hạn hàng ngày về lượng khách đến đất nước, hiện đang ở mức 50.000, và có thể sửa đổi các quy định đối với các khách sạn, cho phép họ từ chối những khách không tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chẳng hạn như đeo khẩu trang, trong một đợt bùng dịch, phương tiện truyền thông trong nước đưa tin.
Nhật Bản chính thức mở cửa đón khách du lịch trở lại vào tháng 6 sau 2 năm đóng kín cửa, nhưng chỉ có khoảng 8.000 du khách đến “xứ sở mặt trời mọc” trong suốt tháng 7, so với hơn 80.000 du khách mỗi ngày trước đại dịch.
Lần mở cửa vào tháng 10 tới, với sự trở lại của chương trình miễn thị thực bị đình chỉ từ tháng 3/2020, hứa hẹn sẽ chứng kiến lượng khách nước ngoài kỷ lục đến đất nước vào năm 2019 (31,9 triệu du khách).
Cách tiếp cận thận trọng
Ông James Brady, trưởng nhóm phân tích Nhật Bản tại công ty tư vấn Teneo có trụ sở tại Mỹ, cho biết cách tiếp cận mở cửa thận trọng của Nhật Bản là có nguyên nhân. Ông Brady nói với hãng tin AFP: “Ông Kishida - người nhậm chức một năm trước - đã nhận thức được việc xử lý không đúng cách đối với đại dịch là nhân tố chính làm suy yếu lòng tin của công chúng vào chính phủ tiền nhiệm của mình. Ông ấy đã cực kỳ cẩn thận để không lặp lại những sai lầm đó”.
Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng khoảng 42.600 ca tử vong do Covid-19 - một tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác và 90% dân số từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm 3 mũi vắc xin.
Không có quy định nào bắt buộc người dân Nhật Bản phải đeo khẩu trang, nhưng khẩu trang vẫn được mọi người đeo ở khắp nơi, đặc biệt là những nơi công cộng như xe lửa và cửa hàng. Nhiều người Nhật cũng sẵn sàng đeo khẩu trang khi bị ốm ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện.
Mặc dù việc du lịch đại chúng sôi động trở lại sẽ tạo ra một “cú hích nhẹ” cho nền kinh tế Nhật Bản, nhưng lợi ích có thể bị hạn chế khi Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách zero-Covid, ông Brady cho biết, giải thích rằng trước đại dịch, phần lớn doanh thu du lịch của Nhật Bản đến từ khách Trung Quốc – những người đến du lịch và chi nhiều tiền cho các sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm.
Hiện tại, du khách Trung Quốc khó có thể đến Nhật Bản với số lượng lớn như trước khi bùng dịch.
Tuy nhiên, theo ông Olivier Ponti, Phó Chủ tịch phụ trách thông tin chi tiết của công ty phân tích du lịch ForwardKeys, nhu cầu đi du lịch đến Nhật Bản đang tăng lên.
“Từ khóa tìm kiếm về du lịch Nhật Bản đạt mức cao nhất trong năm nay vào cuối tháng 8”, và trong khi lượng đặt vé máy bay chỉ đạt 16% so với mức của năm 2019 vào đầu tháng 9, “chúng tôi hy vọng lượt đặt phòng sẽ tăng vọt” khi các quy định về thị thực bị loại bỏ, ông Ponti cho biết.
Nhu cầu từ khách châu Âu có thể vẫn giảm trong bối cảnh sự gia tăng chi phí sinh hoạt ở châu Âu do tác động của xung đột Nga-Ukraine, cộng với chi phí nhiên liệu tăng làm tăng chi phí đi lại bằng đường hàng không”, bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Lữ hành Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Minh Đức (Theo Malay Mail, AsiaOne)