Bộ Y tế sáng ngày 13/7 cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi công bố viện trợ thêm 1 triệu liều vắc-xin Astrazeneca phòng Covid-19 cho Việt Nam, nâng tổng số liều viện trợ cho Việt Nam là 3 triệu liều.
Lô vắc-xin thứ 4 này sẽ được chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam (Sân bay Tân Sơn Nhất) vào rạng sáng ngày 16/7/2021.
Trước đó, ngày 16/6, 2/7 và 9/7, gần 2 triệu liều vắc-xin do Nhật Bản viện trợ đã về Việt Nam, chủ yếu được chuyển cho TP.HCM.
QUY TRÌNH THỰC HIỆN TIÊM CHỦNG VẮC-XIN COVID-19
BƯỚC 1: KHAI BÁO Y TẾ, ĐO THÂN NHIỆT
– Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi đón tiếp
– Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử
– Phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng (Nếu đối tượng chưa có)
– Thực hiện đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng.
BƯỚC 2: HOÀN THIỆN PHIẾU ĐỒNG Ý TIÊM CHỦNG
Cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 theo mẫu ban hành kèm theo hướng dẫn để người được tiêm chủng đọc, điền thông tin và ký nếu đồng ý tiêm chủng.
BƯỚC 3: HOÀN THIỆN SÀNG LỌC, TƯ VẤN TRƯỚC KHI TIÊM
– Sàng lọc, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của vắc xin
– Giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng
– Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc xin được tiêm chủng
– Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
BƯỚC 4: TIÊM CHỦNG
- Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của bộ Y tế. Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Thanh Lam