Chiến thắng chính mình
Bận rộn với công việc tư vấn online từ xa cho các F0 trong những ngày này, nhưng bác sĩ Nguyễn Mạnh Khiêm (26 tuổi), hiện công tác tại khoa Ngoại Tổng hợp ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, Tp.HCM) đã dành chút thời gian để chia sẻ với Người Đưa Tin về công việc của mình.
Bác sĩ Khiêm chia sẻ hồi tháng 6, anh cùng đoàn của bệnh viện được cử đi chống dịch một tháng tại khoa ICU (Hồi sức tích cực), Bệnh viện điều trị Covid-19 huyện Cần Giờ.
Vốn là bác sĩ ngoại khoa, chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với quá trình điều trị bệnh nhân F0 nên bác sĩ Khiêm không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hoang mang ban đầu. Tuy nhiên, sau vài lần tiếp nhận ca bệnh nặng, học hỏi thêm từ các đồng nghiệp anh dần dần có thêm kiến thức, kinh nghiệm điều trị cho F0.
“Lúc này tôi mới bắt đầu được tiếp xúc với những ca bệnh nhân nặng, (ICU chỉ nhận những ca nặng-PV), có nhiều ca diễn tiến bệnh trở nặng quá nhanh khiến tôi bị sốc. Nhưng rồi, sau đó tôi dặn lòng mình phải giữ bình tĩnh, giữ vững tinh thần để làm sao cứu chữa được cho các bệnh nhân nặng”, bác sĩ Khiêm nhớ lại quãng thời gian anh ở khoa ICU.
Sau khi kết thúc đợt tiếp ứng tại Bệnh viện điều trị Covid-19 huyện Cần Giờ, bác sĩ Khiêm quay trở về tự cách ly tại nhà 7 ngày trước khi quay trở lại làm việc.
Sau khi trở lại làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được một tuần, anh và một số đồng nghiệp có biểu hiện mắc Covid-19 và được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 5.
Bác sĩ Khiêm cho biết, triệu chứng của anh khi đó là ho, sốt, mất vị giác, mất khứu giác, hụt hơi…còn gia đình anh cũng không may nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
“Khi cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 5 được 5 ngày thì mẹ tôi gọi điện thoại nói triệu chứng, tôi biết chắc là mẹ bị nhiễm. Ở chung nhà nên khó tránh khỏi được. Tôi cũng bắt đầu điều trị từ xa cho mẹ. Sau 11 ngày cách ly điều trị, tôi có kết quả âm tính, được xuất viện tôi trở về để chăm sóc cho gia đình. Tôi cũng đã hướng dẫn bố mẹ vận động, tập thở giúp bản thân khoẻ hơn. Đó là khoảng thời gian khá vất vả đối với gia đình tôi”, bác sĩ Khiêm nói.
Tư vấn hỗ trợ 60 F0
Kể từ khi khỏi bệnh, chăm sóc cho bố mẹ cũng là F0 khỏi bệnh, bác sĩ Khiêm bắt đầu hỗ trợ tư vấn từ xa cho một số F0 là bạn bè, người thân. Từ những người thân quen, mọi người truyền tai nhau, giới thiệu nhau nên anh tiếp tục tư vấn cho những người lạ “chưa bao giờ biết mặt”.
Đến nay, đã có 60 F0 được bác sĩ trẻ này tư vấn điều trị từ xa, vì số lượng đông nên bác sĩ Khiêm cẩn thận lập danh sách theo dõi bệnh nhân trên bảng excel để nhớ rõ quá trình điều trị, tránh sai chiến lược điều trị.
Từ khi nhận tư vấn online cho F0, điện thoại của bác sĩ Khiêm lúc nào cũng có người gọi kể cả lúc nửa đêm.
“Tôi luôn nhận điện thoại của bệnh nhân bất cứ lúc nào, kể cả 1-2h sáng. Bởi, khi họ gọi là lúc họ cần đến mình nhất. Có bệnh nhân thì khó thở, có bệnh nhân SpO2 (nồng độ oxy trong máu) thấp. Tôi rất lo lắng, đặc biệt những ca mà không có máy tạo oxy tại nhà thì tôi lại gọi hỗ trợ xung quanh, hướng dẫn bệnh nhân tập thở, nằm sấp, trấn an bệnh nhân…”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Vị bác sĩ trẻ kể lại ca tư vấn nghẹt thở lúc đêm muộn: “Đó là vào lúc 2h sáng, tôi phải tư vấn gấp cho một bệnh nhân mà gia đình có 5 người F0. Bệnh nhân nữ lớn tuổi, có thể trạng béo phì và tinh thần không được minh mẫn. Bệnh nhân khó thở, hoảng loạn và người nhà gọi gấp cho tôi. Ngoài công tác chuyên môn, tôi còn phải ổn định tinh thần của người nhà, sau đó hướng dẫn người nhà giúp bệnh nhân nằm sấp, tập thở. Thế nhưng, bệnh nhân có thể trạng không tốt nên tôi khá vất vả, phải hơn 1 giờ đồng hồ tình trạng bệnh nhân mới ổn định, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
Với bác sĩ Khiêm, sau mỗi ca tư vấn, nhận được những dòng tin nhắn cảm ơn của bệnh nhân anh lại cảm thấy công việc mình đang làm ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Khi hỏi anh sẽ làm công việc này đến khi nào? Bác sĩ Khiêm không ngần ngại chia sẻ: “Người bệnh tìm đến mình là lúc họ khó khăn, cần hỗ trợ nhất. Tôi không cảm thấy phiền hà, mà bất cứ ai gọi tôi đều sẵn lòng hỗ trợ. Tôi sẽ tiếp tục tư vấn online cho đến khi nào bệnh nhân F0 không còn gọi tôi nữa thì thôi”.
Kết thúc cuộc trò chuyện, bác sĩ Khiêm bảo rằng những trải nghiệm khi anh được tham gia chống dịch cho tới khi điều trị online sẽ là kỷ niệm khó phai trong quá trình làm nghề. Anh cũng như nhiều người dân sinh sống tại Tp.HCM đều mong rằng một ngày không xa “Sài Gòn sẽ khoẻ lại, Sài Gòn rồi sẽ ổn thôi!”.