Ngày 14/8, báo Người lao động đưa tin, anh Hà Ngọc Trường (28 tuổi; ngụ quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) là bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, tình nguyện ở lại bệnh viện (BV) phụ nhân viên y tế chăm sóc các F0 khác gần cả tháng qua.
Trong quá trình điều trị bệnh, chứng kiến sự vất vả của các y - bác sĩ trong khu hồi sức cấp cứu, anh Trường rất cảm phục và quyết định khi khỏi bệnh sẽ xin ở lại góp sức trong khả năng có thể. May mắn là sức khỏe anh hồi phục và được BV đáp ứng nguyện vọng bố trí ở lại phụ các y - bác sĩ chăm sóc bệnh nhân mới. Trường được BV bố trí phòng riêng, hằng ngày mặc trang phục bảo hộ để phụ nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân mới vào BV.
BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc BV Điều trị Covid-19 Củ Chi, cho biết hiện BV có 5 tình nguyện viên từng là F0 như Trường. Hiện BV này đang điều trị cho gần 500 ca bệnh có triệu chứng vừa và nặng. BS Xuân nói: "Lực lượng y tế tất bật dữ lắm. Có anh chị em khỏi bệnh tình nguyện ở lại phụ giúp, nhân viên y tế có thêm thời gian tập trung cứu chữa các ca nặng".
BV Điều trị Covid-19 Củ Chi còn lập tổ tự quản trong mỗi khu vực. Theo đó, F0 nào còn di chuyển tốt thì được nhân viên y tế tập huấn các kỹ năng chăm sóc cơ bản, kể cả đo đồng độ ôxy với thiết bị SPO2. Không phải lúc nào lực lượng y tế cũng cận kề bệnh nhân, nên tổ tự quản sẽ là cánh tay nối dài để phát hiện kịp thời các thay đổi bất thường nơi bệnh nhân trong khu vực mình quản lý, kịp thời báo nhân viên y tế xử trí. Từ lúc có tổ tự quản và những bệnh nhân khỏi bệnh tình nguyện ở lại, các bác sĩ bớt phần nào áp lực công việc.
Theo BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), BV này cũng có 2 nhân viên là bệnh nhân Covid-19 đã làm đơn tình nguyện ở lại BV Dã chiến Củ Chi sau khi điều trị khỏi bệnh.
"Về mặt khoa học, họ là người an toàn trước đại dịch nhất. Các nghiên cứu cho thấy kháng thể trong người họ mạnh hơn người được tiêm vắc-xin 2 mũi rất nhiều, ít nhất 6 tháng sau vẫn khó lòng mắc bệnh lại. Chỉ cần đeo khẩu trang, họ đã có thể làm việc an toàn trong nơi cách ly, điều trị F0" - BS Khanh khẳng định.
Theo BS Khanh, ngành y tế đang rất cần nhân lực trong mọi khâu tại các nơi điều trị Covid-19. Với F0 khỏi bệnh mà không phải nhân viên y tế, có rất nhiều công tác hậu cần mà họ có thể đảm nhận. Ngay cả F0 chưa khỏi bệnh mà bệnh nhẹ, không triệu chứng, cảm thấy khỏe mạnh vẫn có thể hỗ trợ người khác một cách an toàn trong các khu điều trị Covid-19.
"Ngành y tế rất cần các bạn. Việc giúp đỡ người khác, làm từ thiện cũng là cách để bạn vượt qua căn bệnh một cách nhẹ nhàng hơn, vì sẽ giúp giải tỏa tâm lý lo âu, điều mà nhiều F0 dù nhẹ vẫn hay gặp phải" - BS Khanh nói thêm.
TS-BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV 1A (TP HCM), lấy ví dụ một nhân viên căng-tin của BV này là F0 nhẹ, đang được theo dõi trong khu điều trị Covid-19, được khuyến khích lập một quầy tạp hóa nhỏ trong khu điều trị và phụ đội ngũ y tế chăm sóc bữa ăn cho các bệnh nhân.
"Đó là phương án tiện cho cả 2 bên: Các F0 khác cần mua vài món lặt vặt không phải nhờ người nhà tiếp tế từ bên ngoài. Nhân viên này cũng không buồn chán trong thời gian cách ly, vẫn làm việc, vẫn có thu nhập" - ông Ánh giải thích và nhấn mạnh lực lượng này sẽ giúp ích rất nhiều trong bối cảnh dịch bệnh diễn tiến phức tạp, công việc gia tăng, người bệnh cần chăm sóc nhiều hơn do không có người nhà đi cùng.
"Ở các tầng điều trị bệnh nhân nhẹ cũng nên cố gắng để các gia đình được đi cách ly cùng chỗ. Một gia đình được đi cách ly cùng một chỗ không chỉ tạo ra tâm lý thoải mái, yên tâm cho người bệnh mà còn giúp các F0 cùng nhà được chăm sóc nhau sẽ vơi bớt gánh nặng cho nhân viên y tế, còn là điều các F0 mong muốn" - BS Ánh phân tích.
Theo TS-BS Đỗ Trọng Ánh, có thể tính toán cả phương án tuyển dụng ngắn hạn các F0 đã khỏi bệnh, do giãn cách nên tạm thời không có việc làm, gặp khó khăn trong đời sống. Điều này vừa giúp bổ sung nhân lực cho công tác hậu cần tại các đơn vị điều trị vừa giúp những người này chủ động vượt khó khăn về kinh tế thay vì phải ngồi không chờ hỗ trợ.
Trước đó, theo báo Tiền phong, ngày 12/8, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố, có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế và Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo một số biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chậm nhất là đến ngày 13/8 phải có báo cáo tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vận động, sử dụng các bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành điều trị để tham gia tình nguyện phục vụ phòng chống dịch, như: Công việc tham gia, chế độ hỗ trợ...
Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tiến hành khảo sát cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 để tham mưu việc điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân Covid-19; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong tháp 5 tầng.
Bên cạnh đó, ngành y tế được giao tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch quản lý, cập nhật kịp thời, thường xuyên khả năng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 của từng cơ sở tiếp nhận, điều trị để thực hiện tốt quy trình phân loại, điều chuyển và điều trị hiệu quả, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19 nặng.
Liên quan đến việc sử dụng F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch, trong một bào đăng trên báo Dân sinh ngày 13/8, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - chuyên gia trong Tổ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Tháp cho biết, Covid-19 là bệnh lý mới xuất hiện từ cuối năm 2019, nên đến nay các nghiên cứu về khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2 còn tương đối hạn chế.
"Tuy nhiên, những kết quả của nghiên cứu "Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN" tại Anh cho thấy người đã từng nhiễm Covid-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus tới giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng. Một nghiên cứu khác tại Đại học Y Missouri (Mỹ) cũng cho thấy tỉ lệ tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19 là 0,7% với thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm, và có thể so sánh với những người đã được tiêm đầy đủ vắc-xin"- bác sĩ Nguyễn Trung Cấp dẫn chứng.
Quốc Tiệp (t/h)