Ghi nhận tại cầu Chữ Y, quận 8, TP.HCM, gầm cầu có không gian khá rộng, người dân dùng để nuôi gà, để đồ đạc khiến gầm cầu nhếch nhác.
Gầm cầu này được rào chắn kín bằng lưới B40. Tuy nhiên, từ lâu người dân trong khu vực đã mở lưới rào vào trong gầm cầu làm nơi tập kết xe đạp, phế liệu, giường ghế, kinh doanh nước giải khát…
Đoạn thấp nhất ở gầm cầu được tận dụng làm khu vực nuôi gia cầm, chim và nhiều đồ đạc sinh hoạt của người dân cạnh đó.
Ghi nhận ngày 14/2, gầm cầu Phú Mỹ, quận 7, một số người dân tận dụng mặt bằng trống đặt cả xe bán đồ ăn, bàn ghế để kinh doanh.
Hàng chục chiếc võng cũng được dựng lên để phục vụ khách nghỉ ngơi, uống nước dưới gầm cầu.
Những gầm cầu như cầu vượt Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), cầu kinh Thanh Đa, hông cầu đường sắt Bình Lợi (quận Bình Thạnh)… cũng bị các hộ kinh doanh, người dân dùng để đồ đạc nhếch nhác, hàng hoá, mở quán nước…
Tại gầm cầu vượt nút giao thông Bình Triệu (TP Thủ Đức), dải phân cách của các tuyến đường chồng lên nhau thành đống. Nơi đây trở thành khu vực phóng uế, tập kết rác, bốc mùi hôi thối.
Đối lập với gầm cầu Bình Lợi thuộc địa bàn quận Bình Thạnh được xây dựng thành công viên, nơi tập thể dục, hóng mát xanh sạch đẹp cho người dân, phần gầm cầu địa bàn TP Thủ Đức hiện đang là bãi tập kết phương tiện, máy móc, vật tư của ngành giao thông thành phố.
Cầu Nam Lý, phường Phước Long B, TP Thủ Đức dừng thi công nhiều năm qua hiện cũng đang bị nhiều người chiếm dụng để kinh doanh, tập kết đồ đạc.
Gầm nhiều cây cầu, lối lên cầu tại TP.HCM hiện đang là điểm xả rác bừa bãi thường xuyên của người dân.
Một số bãi rác thành nơi đốt phế liệu để lấy sắt, đồng. Tại gầm cầu vượt nút giao thông Bình Triệu thời gian qua xuất hiện nhiều đống rác bị đốt, khói bay mù mịt gây ảnh hưởng đến giao thông khu vực xung quanh cầu.
Dầm lối dẫn lên cầu Bình Lợi hướng từ quốc lộ 13 đi sân bay Tân Sơn Nhất phần bê tông bị cháy sém do người dân đốt rác. Theo Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua trên địa bàn đã xảy ra một số sự cố cháy dưới gầm cầu gây ảnh hưởng đển chất lượng, an toàn và mất an toàn giao thông. Đơn cử như sự cố cháy dưới gầm cầu Bình Triệu 1, quận Bình Thạnh do chập điện gây đứt bó cáp dự ứng lực ngoài.
Các cầu Bình Lợi gần 1km, cầu Rạch Lăng thuộc đường Phạm Văn Đông lâu nay là điểm xả rác “bậy” của nhiều người. Rác thường xuyên bị đốt bừa bãi, ngoài gây khói đen mù mịt ảnh hưởng người đi đường còn khiến thành cầu, dầm cầu, bờ tường bị cháy đen, bong tróc gây ảnh hưởng đến kết cấu cây cầu.
Hàng loạt gầm cầu, hông cầu vượt, cầu chui khác trên địa bàn thành phố như cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5), nút giao thông cầu Thủ Thiêm 1 (quận Bình Thạnh), hầm chui dạ cầu Khánh Hội, Điện Biên Phủ (quận 1)… bị vẽ bậy gây mất mỹ quan đô thị.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT đề nghị UBND quận huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, lấn chiếm, để vật dụng; đốt, tập kết rác… dưới gầm cầu gây cản trở giao thông, có nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến công trình cầu. Trong ảnh, một phần gầm cầu cầu Sài Gòn trước đây là điểm xả rác bừa bãi của người dân và người đi đường hiện đã được rào chắn, không còn xuất hiện rác tại đây.
Hồng Lam