Chia sẻ tại cuộc họp, ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc Gia TP.HCM cho biết, qua báo cáo của ngành y tế cho thấy tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, do đó không được chủ quan.
Qua việc lấy ý kiến các hiệu trưởng là trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, hầu hết các trường đều đồng thuận cho sinh viên nghỉ đến hết tháng 3. Tuy nhiên, với sinh viên khối Y khoa thống nhất cho sinh viên đi học vào giữa tháng 3.
“Thành phố hiện có 45 trường ĐH với tổng sinh viên 600.000 sinh viên. Riêng ĐH Quốc gia có 70. 000 sinh viên.
Bên cạnh đó trong khu KTX với khoảng 40.000 sinh viên đang sinh sống không chỉ sinh viên của trường ĐH Quốc gia mà còn có nhiều sinh viên của trường ĐH khác trên địa bàn TP sinh sống .
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM có 1.000 sinh viên Hàn Quốc. Hiện số sinh viên này chưa qua Việt Nam, nếu nhập học vào ngày 15/3 thì những sinh viên từ vùng dịch này sẽ giải quyết như thế nào”, ông Đạt phân tích.
Chia sẻ tại cuộc họp, nhiều trường ĐH cho rằng, đang gặp khó khăn trong việc quyết định cho sinh viên đi học trở lại.
Ông Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, dù đã chuẩn bị rất kỹ trong công tác phòng, chống dịch trong trường học nhưng vẫn rất lo lắng, bởi vì chỉ cần một sinh viên mắc bệnh thì coi như vỡ trận....
Vì theo lãnh đạo thành phố, giới hạn đỏ của thành phố là 1.000 ca mắc nếu có dịch diễn ra. Trong khi đó, sinh viên của trường hiện nay là 10.000 sinh viên. Nếu một ca mắc tại trường thì sẽ khó lường trước hậu quả xảy ra.
Còn ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đề xuất, chỉ nên cho sinh viên nghỉ thêm một tuần, đến ngày 16/3 tất cả sinh viên đi học trở lại.
Theo ông Dũng phân tích, đến ngày 25/7 sẽ thi THPT Quốc gia, nếu kéo dài thời gian nghỉ học đến hết tháng 3 thì thời gian học của sinh viên sẽ kéo dài đến thời gian thi THPT Quốc gia.
Trong khi đó, bộ GD&ĐT quy định ngày 20/7 thầy cô phải đi tỉnh coi thi.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay cho sinh viên nghỉ học sẽ ảnh hưởng đến các trường tự chủ tài chính. Các trường phải đối mặt với bài toán kinh tế khó, nhất là bài toán học phí.
“Các trường phải lấy quỹ tích lũy trả lương cho giảng viên về lâu dài là không được. Nếu không có học phí các trường sẽ chết”. Ông Dũng phân tích thêm. Và ông đã đề xuất các trường nên cho nghỉ thêm 1 tuần đến 15/3 là học.
Ông Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Hồng Bàng cho rằng, yếu tố giúp quyết định việc nghỉ học đến bao giờ chính là yếu tố dịch tễ. Sau đó mới đến yếu tố kinh tế, xã hội và tâm lý.
Hiện các trường phải đối mặt hàng ngày hàng giờ với yếu tố dịch tế. Nếu có một em mắc dịch thì có nghĩa các trường phải đóng cửa. Chúng tôi có khảo sát, họp hành, tâm lý sinh viên muốn nghỉ, chúng tôi đồng ý cho nghỉ.
“Hiện chúng tôi đã tính tới phương án từ 15 bài thì giờ chỉ còn 10 bài giảng vì không còn thời gian học bù và yêu cầu cầu các môn học cũng phải được cân nhắc lại.
Hiện nay “hầu hết các trường đã triển khai hình thức dạy online nhưng những môn thực hành không thể dạy qua online được. Tôi đề nghị nếu được, nên cho học sinh nhập học vào ngày 15/3”, ông Phong chia sẻ.
Trong khi đó, các trường ĐH thuộc khối ngành y khoa cũng cho rằng, nên cho sinh viên đi học để có cơ hội thực hành, cọ xát với thực tế.
Lý thuyết có thể học qua online còn đối với sinh viên y khoa thì cần phải thực hành thường xuyên. Sinh viên y khoa sẵn sàng đi học và tham gia chống dịch.