Các container chứa uranium được bảo vệ cẩn mật. Ảnh: NNS
Theo hãng tin AP, nhiều nhà bảo vệ môi trường đã kêu gọi Đức và Hà Lan chặn tàu Mikhail Dudin của Nga, đang đậu ở cảng Dunkirk (Pháp), không cho tàu này chuyển uranium tới một nhà máy xử lý ở thành phố Lingen, Đức - gần biên giới với Hà Lan.
"Chúng ta không có căn cứ pháp lý nào để ngăn chặn việc vận chuyển uranium của Nga, vì các lệnh trừng phạt của EU với Moscow không cấm nhập khẩu các vật liệu hạt nhân", Andreas Kuebler, một phát ngôn viên của Bộ Môi trường Đức, cho biết.
Ông Kuebler nói thêm rằng, lô hàng uranium của Nga đáp ứng các yêu cầu an toàn.
Các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường đã thúc giục các nước châu Âu chấm dứt mọi hoạt động thu mua uranium của Nga. Để gây sức ép về vấn đề này, một số nhà hoạt động phản đối vũ khí hạt nhân đã tổ chức biểu tình gần các nhà máy xử lý uranium ở châu Âu.
Christiane Hoffmann, người phát ngôn của chính phủ Đức, cho biết, Berlin liên tục xem xét liệu có nên mở rộng các lệnh trừng phạt hay không. Tuy nhiên, ông Hoffmann từ chối xác nhận liệu Đức có kế hoạch cụ thể để đề xuất với EU nhằm áp lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân hay không.
Ông Kuebler, phát ngôn viên Bộ Môi trường Đức, lưu ý, Nga không phải là nhà cung cấp uranium duy nhất. "Canada có thể là nhà thay thế tiềm năng", ông Kuebler nói.
Theo hãng tin AP, Pháp phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân để giải quyết nhu cầu về điện, trong khi Đức đang có kế hoạch đóng cửa 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng trong năm nay. Berlin phụ thuộc nhiều vào lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Nguyễn Thái - AP