Cuộc đua vắc-xin và thuốc điều trị đậu mùa khỉ ở Mỹ và châu Âu
Hiện ở châu Âu chỉ có một loại vắc-xin để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ và các quốc gia đang tranh giành nhau để mua dự trữ. Theo Reuters, Đức đã đặt hàng 40.000 liều vaccine Bavaria Nordic để tiêm ngay cho những người tiếp xúc virus đậu mùa khỉ nếu dịch bệnh này nghiêm trọng hơn. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24/5, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết quốc gia đang khuyến cáo cách ly ít nhất 21 ngày với những người mắc bệnh.
“Nếu dịch lây nhiễm rộng hơn nữa, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin - phương án chưa được khuyến cáo ở thời điểm này nhưng có thể sẽ cần thiết,” ông Lauterbach nói. Theo đại diện y tế Đức, làn sóng bệnh đậu mùa khỉ có thể được kiểm soát và không bùng phát thành đại dịch mới. Việc can thiệp sớm có thể ngăn mầm bệnh lan sâu vào cộng đồng.
Thông tin trên Vnexpress, Anh đã tiêm 1.000 liều vắc-xin cho những trường hợp tiếp xúc gần ca nhiễm, người có nguy cơ cao và nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh. Giới chức nước này dự kiến tiêm thêm khoảng 3.500 liều trong thời gian tới.
Trong khi đó, Pháp thông báo đang tiêm chủng cho những nhóm dân số cụ thể như người tiếp xúc gần, y bác sĩ... để ngăn chặn đợt bùng phát.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Cơ quan Chuẩn bị và Ứng phó với Tình trạng Y tế Khẩn cấp của Ủy ban Châu Âu (HERA) cũng đang đàm phán với công ty này. HERA chịu trách nhiệm mua sắm vật tư y tế cho EU trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát, truy vết tiếp xúc và quản lý các ca nhiễm. Bên cạnh đó tổ chức này cảnh báo việc mua sắm thuốc và vắc-xin một cách ồ ạt, bừa bãi khi ca nhiễm còn tương đối thấp sẽ để lại tác động tiêu cực.
Theo Sylvie Briand, Giám đốc phòng chống dịch bệnh và đại dịch tại WHO, hiện đã có loại vắc-xin và phương pháp điều trị bệnh đậu khỉ đã được phê duyệt. Tuy nhiên, tin xấu là "số lượng cực kỳ hạn chế và một số chưa được cấp phép đầy đủ để đưa ra thị trường”.
Theo báo Tin Tức, bà Briand cũng kêu gọi các quốc gia "phối hợp cùng nhau” để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với vắc-xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán, dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng.
Các nhà khoa học hiện đang lạc quan rằng các quốc gia sẽ không cần đến các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt mà họ đã thực hiện như trong đại dịch Covid-19, bởi vì các loại virus rất khác nhau.
"Đây là một tình huống khác với Covid-19", Stathis Giotis, giảng viên về virus học tại Đại học Essex và nghiên cứu sinh cao cấp về virus học tại Đại học Imperial ởLondon cho biết, lưu ý rằng không giống như Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ không lây lan bởi những bệnh nhân không có triệu chứng, nên"giúp việc kiểm soát bệnh dễ dàng hơn”.
Nhiều quốc gia từng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang khuyến cáo người dân nên cách ly trong 21 ngày; Anh cũng khuyên rằng nên cách ly những người tiếp xúc gần có nguy cơ cao trong cùng một khoảng thời gian.
Đánh giá về việc một số nước châu Âu tăng cường tiêm chủng dịch đậu mùa khỉ, Hugh Adler, thành viên nghiên cứu danh dự tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, cho biết "đây không phải là sự hoảng sợ, mà là phản ứng tiêu chuẩn về sức khỏe cộng đồng đối với bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, đó là một điều rất hợp lý".
Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp nào mắc đậu mùa khỉ
Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nào. Ngày 24/5, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh tăng giám sát, phát hiện ca nghi đậu mùa khỉ, phối hợp với các viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán, xác định người mắc bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ gồm: Tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn.
Người có triệu chứng nghi mắc cần nhanh chóng khám bệnh, chủ động tự cách ly đến khi khỏi. Trong khi đó, người đến các nước có dịch đậu mùa khỉ nên tránh tiếp xúc với các động vật mắc bệnh như: nhóm gặm nhấm, thú có túi, không ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, thịt động vật chưa chín kỹ hoặc thịt từ động vật nhiễm bệnh.
Bộ Y tế lưu ý các quốc gia đang có dịch bệnh gồm Benin, Cameroon, Trung Phi, Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.
Trúc Chi (t/h)