Xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã sắp tròn một tháng. Căng thẳng chính thức bùng nổ vào ngày 21/2 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức công nhận nền độc lập của 2 khu vực thân Nga (Donetsk và Luhansk) ở Ukraine.
Ngày 24/2, Tổng thống Putin trong một bài phát biểu trên truyền hình đã thông báo về một chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Ông Putin cho biết, chiến dịch này nhằm vào cái mà ông gọi là “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine và để bảo vệ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Ông tuyên bố, kế hoạch của Nga không bao gồm việc chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, NATO và Liên hợp quốc (LHQ) đã đồng loạt phản ứng với động thái mới nhất của Nga về Ukraine. Quá trình gia nhập này không thể hoàn thành một sớm một chiều.
Cùng ngày, các vụ nổ được nghe thấy ở một số vùng của Ukraine, bao gồm Kiev, Kharkiv và Mariupol. Một tàu chiến Nga tấn công Đảo Rắn (Zmiinyi). Quân Nga kiểm soát nhà máy hạt nhân Chernobyl vốn đã ngừng hoạt động sau thảm họa năm 1986.
Ngày 25/2, Quân đội Nga tiến về phía thủ đô Kiev của Ukraine. Nga phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu nước này rút khỏi Ukraine. Ngày 26/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc sơ tán ông và gia đình khỏi đất nước.
Nhiều quốc gia, bao gồm Anh và Mỹ, đồng ý cung cấp thêm vũ khí, vật tư y tế và viện trợ quân sự khác cho Ukraine. Đức đảo ngược chính sách lâu đời “không gửi vũ khí đến các khu vực xung đột”, quyết định gửi cho Ukraine vũ khí chống tăng và phòng không.
Ngày 27/2, Tổng thống Putin chỉ thị lực lượng răn đe hạt nhân Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.
Ngày 28/2, vòng đàm phán ngừng bắn đầu tiên giữa hai phái đoàn Nga và Ukraine diễn ra ở Belarus nhưng không gặt hái được thỏa thuận nào ngay lập tức.
Ngày 1/3, Tổng thống Zelensky đã ký đơn chính thức xin cho Ukraine trở thành thành viên thứ 28 của Liên minh châu Âu (EU).
Một đoàn xe quân sự dài 64 km (40 dặm) của Quân đội Nga đang hướng về phía thủ đô Kiev lần đầu tiên được chú ý qua hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies (Mỹ) chụp.
Trong ngày, lần đầu tiên Tổng thống Zelensky đưa ra đề xuất về việc thiết lập một “vùng cấm bay” trên lãnh thổ Ukraine. Ông cũng vài lần nhắc lại yêu cầu này nhưng cho đến nay, ý tưởng này vẫn bị Mỹ và NATO bác bỏ.
Ngày 2/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) thông qua một nghị quyết không ràng buộc lên án cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine và yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn. Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Ngày 3/3, lửa bùng phát tại khu vực nhà máy Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu với 6 lò phản ứng. Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau về vụ hỏa hoạn.
Ngày 4/3, Nga lần đầu tiên tuyên bố ngừng bắn ở thành phố cảng chiến lược Mariupol và thành phố Volnovakha thuộc vùng Donetsk vào ngày 5/3 để mở hành lang nhân đạo sơ tán dân thường. Nỗ lực sơ tán dân thường chỉ thành công sau vài lần thất bại do cả phía Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn tạm thời.
Ngày 7/3, người phát ngôn Điện Kremlin nhắc lại điều kiện để Nga dừng chiến dịch ở Ukraine. Các điều kiện bao gồm: Ukraine ngừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để đề cao tính trung lập, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập.
Ngày 8/3, Mỹ áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với mọi hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga. Một số thương hiệu toàn cầu như McDonald’s, Visa, MasterCard, Starbucks tạm ngừng hoạt động tại Nga.
Ngày 10/3, đàm phán cấp cao 3 bên Nga – Thổ Nhĩ Kỳ – Ukraine, với sự tham dự của Ngoại trưởng 3 nước, không đạt được tiến triển nào.
Ngày 14/3, Nga xác nhận, các lực lượng của họ đã đánh vào một cơ sở huấn luyện quân sự ở miền Tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan.
Ngày 15/3, Thủ tướng các nước Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovenia đi tàu đến Kiev để gặp trực tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với tư cách “đại diện EU”. Ông Zelensky đưa ra tín hiệu rằng NATO không phải là một lựa chọn tốt cho Ukraine. Trong khi đó, đàm phán cấp chuyên gia giữa Nga và Ukraine tiếp tục gặp khó khăn do “có những mâu thuẫn cơ bản”.
Liên minh châu Âu thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, bao gồm các lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của nước này.
Ngày 16/3, Nga và Ukraine bắt đầu thảo luận về tính trung lập cho Ukraine, với các mô hình phi quân sự hóa kiểu Áo hoặc Thụy Điển được đề xuất. Ngay sau đó, Ukraine đã bác đề xuất này và kêu gọi một thỏa thuận về các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý.
Trong ngày, Quân đội Ukraine tuyên bố đã tiến hành phản công tại Kherson, nơi quân Nga đã kiểm soát ngay từ những ngày đầu giao tranh. Trong khi đó, các lực lượng Nga tiếp tục đạt được rất ít tiến bộ rõ ràng trên hầu khắp các vùng của Ukraine.
Sau bài phát biểu trực tuyến của ông Zelensky trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden đã tuyên bố gói viện trợ an ninh bổ sung cho Ukraine trị giá 800 triệu USD, bao gồm máy bay không người lái và thiết bị phòng không.
Ngày 18/3, Nga sử dụng tổ hợp tên lửa hàng không Kinzhal với tên lửa đạn đạo siêu thanh lần đầu tiên ở Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết mục đích là nhằm phá hủy một kho chứa vũ khí ở miền Tây Ukraine.
Ngày 22/3, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp sự tồn tại của nước này bị đe dọa.
Minh Đức