“Biển người” hành hương đến Thánh địa Mecca.
Ngày 2/7 vừa qua, cả thế giới bàng hoàng trước thông tin về vụ giẫm đạp xảy ra tại một sự kiện tôn giáo ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ khiến ít nhất 121 người thiệt mạng.
Theo giới chức, tình trạng tập trung quá tải, tổ chức kém và điều kiện thời tiết xấu đã khiến sự việc này trở thành thảm kịch kinh hoàng.
Đáng nói, đó cũng là những yếu tố từng dẫn tới nhiều vụ việc đau lòng tương tự, trong đó có vụ giẫm đạp tại đường hầm Al-Ma'aisim gần Thánh địa Mecca của Ả Rập Saudi cũng vào những ngày đầu tháng 7 cách đây 34 năm. Với 1.426 người hành hương thiệt mạng, đây được coi là thảm kịch kinh hoàng nhất lịch sử đạo Hồi.
Sự cố khủng khiếp
Vào 10 giờ sáng thứ Hai ngày 3/7/1990, một đám đông tín đồ mặc áo choàng vải truyền thống băng qua cây cầu dành cho người đi bộ ở Mina, gần Thánh địa Mecca.
Đối với những người theo đạo Hồi, Hajj - cuộc hành hương hằng năm đến địa điểm linh thiêng Mecca và Medina này là một trong năm trụ cột của đạo Hồi và là nghĩa vụ tôn giáo phải thực hiện ít nhất một lần trong đời nếu có đủ khả năng về tài chính và thể chất. Ước tính có hơn 2 triệu người tham gia hành trình này mỗi năm.
Bên trong đường hầm Al-Ma'aisim.
Khi đám đông trên cầu đang đi thực hiện nghi lễ “Ném đá quỷ dữ”, áp lực quá lớn khiến một phần lan can bất ngờ bị gãy. Bảy tín đồ lao xuống từ độ cao 8m, rơi trúng biển người đang ra khỏi đường hầm Al-Ma'aisim dài 550m và rộng 10m ngay phía bên dưới. Sự cố đáng tiếc này đánh dấu sự khởi đầu của một thảm họa vô cùng đau thương.
“Cơn mưa” xác chết đã khiến đoàn người đi bộ phải dừng lại ngay lập tức. Nhưng ở đầu bên kia của đường hầm, những người hành hương khác không biết về tai nạn này và vẫn tiếp tục chen lấn về phía trước.
Chẳng mấy chốc, lối đi bị tắc nghẽn, tạo nên làn sóng hoảng loạn đột ngột trong đường hầm vốn đã chật cứng, nơi đang có khoảng 5.000 người, gấp nhiều lần sức chứa 1.000 người của nó.
Ngoài sự cố khủng khiếp này, những người hành hương còn phải đối mặt với các thách thức khác càng làm tăng thêm nỗi kinh hoàng của họ. Thời điểm ấy, nhiệt độ ngoài trời lên tới 44°C. Trong khi đó, hệ thống thông gió của đường hầm bị hỏng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Nhưng vẫn chưa hết, những chiếc đèn vụt tắt do mất điện đột ngột khiến đường hầm vốn đang quá tải bỗng chốc chìm vào bóng tối, càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi và hoảng loạn của biển người hành hương.
Ngày đen tối trong lịch sử
Trong nỗ lực vật lộn để tìm cách thoát khỏi khu vực, vô số người đã bị giẫm đạp dưới những bàn chân điên cuồng của các tín đồ cùng tôn giáo, số khác ngã gục vì ngạt thở trong cái nóng ngột ngạt.
“Thật kinh khủng”, một người Ả Rập may mắn sống sót kể lại. “Khi một người vấp ngã, hàng chục người giẫm đạp lên anh ấy và hàng trăm người khác ngã đè lên họ”.
“Những người già đầu tiên bắt đầu ngã xuống vì hoảng loạn và kinh hãi. Không ai có thể di chuyển... Những người hành hương ngã đè lên nhau, những xác chết chồng chất lên nhau... Có một nỗ lực chạy thoát điên cuồng và nhiều tiếng la hét", nhân chứng khác mô tả.
"Tôi đã bị đẩy và ngã qua khoảng 20 xác chết, những người khác vẫn tiếp tục đẩy theo hai hướng và giẫm lên tôi", một tín đồ người Liban cho biết.
Tại hiện trường vụ giẫm đạp, thi thể người thiệt mạng nằm la liệt.
Tại hiện trường, thi thể của những người hành hương thiệt mạng trong vụ giẫm đạp nằm la liệt trên mặt đất, chồng chất lên nhau. Sự kiện thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của 1.426 người. Nạn nhân chủ yếu đến từ Malaysia, Indonesia, Pakistan và người dân địa phương.
Sự thất bại về mặt tổ chức kết hợp với quy mô khổng lồ của đám đông được coi là nguyên nhân khiến 1.426 người bị đè bẹp hoặc ngạt thở đến chết.
Cũng từ đó, ngày 3/7/1990 được coi là ngày đen tối trong lịch sử Hajj. Vào thời điểm này, đây là thảm kịch kinh hoàng với số người chết cao nhất trong bất kỳ thảm họa nào liên quan đến những chuyến hành hương của người Hồi giáo suốt hơn 20 năm qua.
Sau thảm kịch, chính quyền Ả Rập Saudi đã cố gắng đưa ra các biện pháp an toàn để ngăn chặn những sự cố thảm khốc tương tự như xây dựng các đường dốc và lối đi. Sự kiện này gây chấn động khắp thế giới và cho đến nay vẫn là lời nhắc nhở ám ảnh về những nguy hiểm có thể xảy ra trong đám đông lớn.
Huyền Anh (Theo USA Today, Vocal, TIME)