Công trình cống điều tiết Phú Định (quận 8) nằm trên kênh Đôi, là một trong 6 cống điều tiết thuộc dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ đồng của TP.HCM. Công trình qua nhiều năm thi công rồi tạm dừng khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng. Khu vực xây dựng cống bên đường Phú Định, thuộc phường 16, quận 8 rào chắn công trình ngổn ngang, cỏ dại mọc um tùm, đoạn đường gần 200m qua dự án bị thu hẹp, hư hỏng nhiều năm qua.
Ông Đỗ Văn Kiên, công nhân vệ sinh môi trường cho biết hằng ngày ông rất vất vả mới đẩy được xe rác qua đoạn đường gồ gề, hư hỏng, chật hẹp và thường hay ngập nước này.
Một đoạn đường ngay công trình cống ngăn triều bị thu hẹp bởi đường bê tông thi công dở dang khiến xe cộ di chuyển khó khăn. Đường Phú Định bị ngắt quãng ngay tại công trình, chỉ có xe máy mới lưu thông được.
Tuyến đường được nâng lên, xây dựng mới khang trang toàn tuyến nhưng đoạn qua cống Phú Định vẫn bị rào chắn, chỉ còn lại hơn 1m, thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn, triều cường dâng cao.
Trong đợt triều cường giữa tháng 11 đang diễn ra, nhiều con hẻm, căn nhà của các hộ dân bên đoạn đường bị ngập nước. Người dân phải bì bõm lội, dùng bao cát ngăn nước tràn vào nhà vào thời điểm sáng sớm và chiều tối.
Tại con hẻm số 25, dòng nước đen ngòm do triều cường xâm nhập vào cống gây ngập sâu quá đầu gối người lớn. Nước dâng cao, một nhà dân phải xây thêm tường gạch ngay cửa sổ để ngăn nước tràn vào.
Nằm ở cuối con hẻm, nhà bà Phan Thị Sáu cũng mênh mông nước khi triều cường lên thời điểm cuối chiều. Khu vực bếp bà Sáu phải kê đồ lên cao khi nấu ăn, những chậu nước sạch nổi bồng bềnh giữa dòng nước đen.
Ông Nguyễn Văn Bạch cùng nhiều nhà khác phải đắp các lớp bao cát ngăn nước vào nhà theo thời gian nước triều dâng. “Nhà tôi nâng lên hai lần rồi mà vẫn không thoát cảnh ngập. Quanh năm luôn chuẩn bị sẵn bao cát để ngăn nước tràn vào”, người đàn ông 63 tuổi nói.
Chị Thảo, ngụ đường Phú Định, bên cống ngăn triều cho biết mưa lớn hoặc triều cường dâng cao đoạn có nền cao nước vẫn ngập đến đầu gối. “Cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn nhiều năm nay, đường mãi không làm mới khiến người qua lại té ngã thường xuyên, nước ngập, nhà rêu mốc, cây cỏ mọc um tùm đầy rắn, chuột”, người phụ nữ này cho hay.
Sau khi nước rút, nhiều con hẻm, mặt đường, bờ tường nhà dân rêu mốc, bong tróc tường do bị ngâm trong nước nhiều ngày.
Người dân cho biết hầu như nhà nào cũng phải chuẩn bị bao cát ngăn nước, xây bờ ngăn, lắp sẵn máy bơm để bơm nước ra ngoài khi nhà thấp hơn mặt đường.
Hàng loạt căn nhà của người dân nơi đây bị thấp hơn mặt đường trên dưới 1m. Bà Thái Mỹ Nga cho biết vừa xây dốc cao 1m để ra vào do chưa thể nâng toàn bộ nền nhà, sân nên phải chấp nhận sống chung với nước ngập.
Nằm sâu hơn mặt đường khoảng 1,3m, căn nhà bà Nguyễn Thị Sợi như biến thành hầm, phần hiên được nâng lên hai lần nên không gian phía trước nhà bị thấp lại. “Tôi bị đau khớp nên mỗi lần ra vào nhà phải dò dẫm từng bước bậc tam cấp rất khổ cực”, bà Sợi nói.
Do nhà như cái hầm, tối om nên bà Sợi thường bật đèn cả ngày. Nhìn từ bên ngoài mặt đường, cửa ra vào bị che khuất còn một nửa, mái nhà thấp ngang đầu người lớn.
Những hộ dân có nhà bị biến thành hầm chia sẻ việc ra vào, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Khổ nhất là những đợt mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao biến những căn nhà này thành ao. Mùa nắng thì vô cùng ngột ngạt nên chủ yếu sinh hoạt bên ngoài hiên.
Nhiều hàng quán bên đường Phú Định bị chỗ cao, chỗ thấp hơn mặt đường nhưng chưa thể nâng lên đồng bộ để kinh doanh. Số khác dựng tạm sàn gỗ cao bằng mặt đường để tạm buôn bán.
Hồng Lam