3 nhóm đối tượng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 80% tiền lương. Ảnh minh họa NLĐ
Lương cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng 0,8 lần
Ngày 10/11, Quyết định 19/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024 sẽ có hiệu lực.
Theo Quyết định này, mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Quy định mới này sẽ áp dụng với 3 nhóm đối tượng trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
(2) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
(3) Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Nghị định cũng nêu rõ, tiền lương tăng thêm 0,8 lần nêu trên không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ; không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
Mức tăng này sẽ được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tăng mức chi chế độ đối với người cai nghiện bắt buộc
Thay thế cho loạt Thông tư hướng dẫn về chế độ hỗ trợ, việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các chế độ tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, Thông tư 62/2022 của Bộ tài chính đã quy định rõ ràng việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
Người cai nghiện ma túy bắt buộc được tăng nhiều mức chi phí. Ảnh minh họa
Theo đó, từ ngày 19/11/2022, khi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, người cai nghiện sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo chi các khoản như:
- Chi tiền ăn, tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người cai nghiện bắt buộc và băng vệ sinh (đối với người cai nghiện bắt buộc là nữ).
- Chi phí cai nghiện ma túy: Khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế, tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh cơ hội khác (nếu có).
- Chi chế độ khám bệnh, chữa bệnh.
- Chi học văn hóa cho người cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
- Chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo các chuyên đề về sức khỏe cộng đồng, pháp luật, đạo đức…
- Chi phí học nghề ngắn hạn.
- Chi tiền điện, nước sinh hoạt: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/tháng (Tăng thêm 20.000 đồng/người/tháng so với quy định hiện hành tại Thông tư 117/2017/TT-BTC).
- Chi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/năm (Tăng thêm 30.000 đồng/người/năm so với quy định tại Thông tư 117/2017/TT-BTC).
- Chi chế độ lao động, lao động trị liệu.
- Chi phí mai táng nếu người cai nghiện bắt buộc chết trong thời gian chấp hành quyết định tại cơ sở mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận.
- Chi hỗ trợ đưa người cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú…
Cán bộ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Thông tư 60/2022 của Bộ Tài chính quy định về danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Điều 5 Thông tư 60 đã liệt kê cụ thể 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình quản lý sau khi thôi chức vụ gồm:
(1) Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
(2) Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
(3) Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
(4) Quản lý nhà nước về hải quan
(5) Quản lý nhà nước về giá.
(6) Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
(7) Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
(8) Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
(9) Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài
(10) Quản lý nhà nước về ngân sách Nhà nước.
(11) Quản lý Nhà nước về tài sản công.
Thời hạn bị cấm thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã đối với cán bộ của từng lĩnh vực được quy định như sau:
- Lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về tài sản công: Đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Các lĩnh vực còn lại: Đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 17/11/2022.
Bảng Anh