Đầu tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên một cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các doanh nhân, trí thức tiêu biểu đã diễn ra, để bàn về chủ đề "Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045”.
Theo mục tiêu, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Vậy, để đạt được mục tiêu đó, điều cốt lõi nhất Việt Nam cần giải là bài toán gì?
Để có góc nhìn đa chiều, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh vấn đề này.
“Đòn bẩy” then chốt
PV: Thưa ĐBQH, theo ông, để đạt được mục tiêu, khát vọng vào năm 2045, Việt Nam cần phải đề ra và thực hiện những yếu tố then chốt nào?
ĐBQH, GS.TS Hoàng Văn Cường: Chúng ta đang có 1 ước vọng là đến năm 2045 (sau 100 năm thành lập nước), Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường, với nền kinh tế giàu mạnh, tự chủ và có vị thế trên thế giới.
Nền kinh tế hùng mạnh của bất kỳ nước nào cũng đều phải dựa trên những trụ cột kinh tế mạnh là các tập đoàn kinh tế lớn. Những tập đoàn này không chỉ dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước để làm chủ một lĩnh vực kinh tế mà còn có vai trò dẫn dắt các sản phẩm trong lĩnh vực đó trên thị trường quốc tế.
Muốn trở thành người dẫn dắt, những tập đoàn như thế phải làm chủ được chuỗi giá trị của sản phẩm mang tính toàn cầu. Để làm chủ được chuỗi giá trị thì đương nhiên phải là người làm chủ được công nghệ.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 3 trên thế giới đã đi quá xa, nếu như chúng ta không đi vào lĩnh vực khoa học công nghệ mới mà cứ đi theo lối mòn của những thành tựu công nghệ cũ thì chúng ta không thể trở thành “người đi đầu” được.
Vì vậy, chúng ta phải làm chủ công nghệ dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng khoa học 4.0, phát triển kinh tế số. Chúng ta phải kết hợp hài hòa giữa thúc đẩy hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới, thúc đẩy sáng tạo khoa học vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nhân.
“Đối thoại 2045” mà Thủ tướng chủ trì chính là khích lệ, thúc đẩy cho sự kết hợp của 2 yếu tố khoa học công nghệ mới và đầu tư kinh doanh với các nhân vật chính tại diễn đàn là các doanh nhân và đội ngũ tri thức tiêu biểu của các nhà khoa học.
Chỉ có sự kết hợp những thành tựu khoa học kỹ thuật mới mang tính sáng tạo mới, giúp chúng ta tạo ra các bước phát triển nhảy vọt, giúp các doanh nghiệp có tiềm năng trở thành tập đoàn lớn mạnh, dẫn đầu.
Vai trò dẫn dắt của Chính phủ rất quan trọng, không thể để cho các doanh nghiệp tự mày mò mà phải có định hướng. Nói cách khác, dưới góc độ quốc gia, phải xác định rõ chiến lược phát triển về những ngành mũi nhọn, lĩnh vực thế mạnh để hướng các nhà khoa học cống hiến và các doanh nhân tập trung đầu tư.
Khi đã xác định được những ngành đó rồi thì phải tập trung nguồn lực, tập trung thị phần, tập trung điều kiện cho một số doanh nghiệp có khả năng đóng vai trò dẫn dắt.
Từ đó, doanh nghiệp đầu tàu sẽ lôi kéo thêm các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực để trở thành tập đoàn lớn mạnh.
Có thể thời gian đầu, chúng ta dựa vào các nhà đầu tư nước ngoài để làm tiền đề nhưng về lâu dài thì phải “biến” các nhà đầu tư nước ngoài đó trở thành một bộ phận hoặc “nội địa hoá dần” để biến họ thành doanh nghiệp trong nước.
PV: Tại “Đối thoại 2045” vừa qua, có doanh nhân cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, không nên phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Trên thực tế, vấn đề này đang diễn ra như thế nào?
ĐBQH, GS.TS Hoàng Văn Cường: Đúng là không được phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, không được có thiên lệch ngay trong quan niệm giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Thực ra, cũng không nên nghĩ rằng cứ doanh nghiệp Nhà nước là hoạt động không tốt. Vẫn có những đơn vị có tiền đề mạnh, hoạt động hiệu quả, ví dụ như tập đoàn Viettel đã vương ra cạnh tranh tầm quốc tế.
Tư nhân cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhanh nhạy và đang trở thành những tập đoàn mạnh có vai trò dẫn dắt. Nhà nước cần tạo điều kiện, nguồn lực cho những doanh nghiệp – những “cánh chim đầu đàn” bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không phân biệt đấy là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân.
Để thúc đẩy được, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy tái cấu trúc nền kinh tế, phải thực sự coi trọng những “cánh chim đầu đàn”, vị thế của họ bình đẳng trong “sân chơi” kinh tế.
Gỡ những “nút thắt” tư duy
PV: Về tư duy quản lý để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cần thay đổi theo hướng như thế nào, thưa Giáo sư?
ĐBQH, GS.TS Hoàng Văn Cường: Thứ nhất, phải chuyển tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ”. Nhà nước không phải là cấp phép, không phải là “xin – cho” mà hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước phải chuyển từ chỗ bắt doanh nghiệp tuân theo các yêu cầu của mình sang phương thức hướng dẫn, phục vụ, trợ giúp cho các doanh nghiệp phát triển theo mục tiêu Nhà nước mong muốn. Do đó, cần đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, đòi hỏi của doanh nghiệp, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
Thứ hai, phải đổi mới tư duy về cách nhìn nhận các khu vực kinh tế, để đưa doanh nghiệp tư nhân có chỗ đứng ngang hàng với quan điểm ưu tiên về đầu tư như là các doanh nghiệp Nhà nước.
Tạo sân chơi, tạo thị phần, dành cho tư nhân tham gia vào quá trình đầu tư công, mua sắm công của Chính phủ. Ví dụ như xây dựng đường cao tốc, xây dựng các công trình hạ tầng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), không có nghĩa là ngân sách Nhà nước không bỏ ra, nhưng nếu đầu tư kết hợp với khu vực tư nhân lại làm rất tốt.
Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, đây là vai trò của Chính phủ. Có ổn định kinh tế vĩ mô mới tạo được môi trường đầu tư ổn định, hiệu quả, để các doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm đầu tư, không bị rủi ro về khủng hoảng kinh tế.
Thứ ba, phải thay đổi tiêu chí đánh giá về hiệu quả quản lý Nhà nước. Không nên dựa vào việc thực hiện đúng quy định pháp luật, mà phải đánh giá dựa vào kết quả “đầu ra” để vừa là yêu cầu bắt buộc vừa là động lục thúc đẩy các cơ quan quản lý, các cán bộ Nhà nước đi đầu trong đổi mới, sáng tạo trong quản lý. Từ đó mới “mở đường” cho các lĩnh vực khác sáng tạo và đổi mới theo.
Tôi tin rằng, khi chúng ta thay đổi toàn bộ hệ thống, các quan điểm, phương thức hành động như thế sẽ tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, phát huy được tất cả các nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp.
Dịch Covid-19: Phải giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
PV: Đó là về lâu dài, còn trước mắt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trên toàn cầu thì Chính phủ cần tạo điều kiện như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn và vươn lên phát triển?
ĐBQH, GS.TS Hoàng Văn Cường: Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, rõ ràng là doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Hơn bao giờ hết, Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro.
Thứ nhất, khó khăn của các doanh nghiệp trong giai đoạn này là gánh nặng về chi phí cố định. Đây là những chi phí cho dù doanh nghiệp không làm ăn được nhưng vẫn phải chi trả, ví dụ như: Tiền sử dụng đất; một số khoản thuế, khoản đóng góp xã hội không phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh; lãi suất vay để đầu tư máy móc, thiết bị nhưng hàng lại không bán được do ảnh hưởng dịch bệnh, như vậy tiền vay bị “nằm chết” một chỗ nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lãi cố định… Những vấn đề này, Chính phủ cần hỗ trợ ở mức tối đa nhất để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thứ hai là phải làm tốt việc phòng chống dịch một cách chủ động, linh hoạt và thích ứng nhanh với các thay đổi mới. Nếu chúng ta đóng cửa, chặn hết các hoạt động kinh tế để đảm bảo an toàn phòng dịch thì ngược lại sẽ khó khăn về phát triển kinh tế. Như vậy, đi đôi với việc phòng chống dịch, đảm bảo an toàn đặt lên hàng đầu, thì cũng phải làm thế nào để khoanh vùng, hạn chế ở mức thấp nhất các hoạt động ngăn cản kinh tế, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa trong nước, thậm chí mở lưu chuyển quốc tế trong giới hạn an toàn.
Vấn đề thứ ba, Nhà nước luôn có vai trò quyết định trong việc tạo thêm quan hệ kinh tế quốc tế để các doanh nghiệp thực hiện được các giao dịch, mở rộng thị trường.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế
PV: Trở lại “Đối thoại 2045” mới đây do Thủ tướng tổ chức, có ý kiến đề nghị, không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự; nếu doanh nghiệp tư nhân làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh… Quan điểm của ông như thế nào?
ĐBQH, GS.TS Hoàng Văn Cường: Vấn đề này, không phải bây giờ mới được nhắc đến. Quốc hội, Chính phủ cũng có quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, không đưa những vấn đề đó trở thành vấn đề hình sự.
Việc này để giúp cho các nhà đầu tư, các doanh nhân yên tâm thực hiện các hoạt động kinh doanh có thể phải chấp nhận mạo hiểm. Người ta chấp nhận mạo hiểm để đầu tư, khi rủi ro xảy ra thì người ta mất tiền, nhưng nếu được thì sẽ tạo ra tiềm năng, cơ hội phát triển.
Còn nếu như hình sự hóa thì người ta luôn luôn lo sợ, phải tính toán đến chuyện rủi ro về mặt pháp lý, không còn “đất” cho đổi mới, sáng tạo. Như vậy thì đương nhiên họ không dám mạnh dạn đầu tư, kinh doanh, không dám đi vào lĩnh vực mới, những lĩnh vực có tính chất mạo hiểm.
Trong khi đó, hiện nay, đang rất cần các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, phát kiến mới, mô hình về quản trị mới… muốn khởi nghiệp như vậy thì phải mạo hiểm. Nếu như lại hình sự hóa thì không ai dám đầu tư vào lĩnh vực mới, không khuyến khích được sáng tạo. Vấn đề này từ lâu đã được đề cập đến trong các chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Giao vốn nhà nước, phải gắn trách nhiệm
PV: Dư luận cho rằng, thời gian qua, xuất hiện tâm lý của một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước không dám đi “tiên phong” trong lĩnh vực mới, mô hình đầu tư mới, không dám “đột phá” vì sợ bị quy trách nhiệm? ĐBQH nghĩ sao về điều này?
ĐBQH, GS.TS Hoàng Văn Cường: Thực ra, đối với doanh nghiệp Nhà nước thì đôi khi rủi ro pháp lý cao hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Bởi vì doanh nghiệp tư nhân làm ăn thua lỗ thì người ta mất tiền. Thậm chí nếu phá sản, có khi họ mất cả “đường sống”.
Còn doanh nghiệp Nhà nước thì vốn đầu tư không phải của người lãnh đạo doanh nghiệp; khi đầu tư lại có được lợi thế là uy tín của doanh nghiệp Nhà nước, lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân. Và nếu làm ăn thua lỗ thì lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước không bị mất tiền mà Nhà nước sẽ mất tiền. Như vậy, khi Nhà nước mất tiền thì lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm khác, đó là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm pháp lý cao hơn doanh nghiệp tư nhân.
Cho nên, chúng ta phải thấy điều đó là chuyện bình thường, chứ đừng nên nghĩ rằng, doanh nghiệp tư nhân đầu tư mất tiền thì không sao, còn doanh nghiệp nhà Nước mất tiền thì bị hình sự hoá.
PV: Vậy nhưng, cũng cần điều chỉnh cơ chế, chính sách cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước để họ “dám nghĩ, dám làm”, thưa Giáo sư?
ĐBQH, GS.TS Hoàng Văn Cường: Tất nhiên, chúng ta cũng phải thay đổi quan niệm về đánh giá hiệu quả doanh nghiệp. Đúng là trong quá trình làm ăn thì có thể lúc thua, lúc thắng, doanh nghiệp tư nhân hay Nhà nước cũng thế. Nhưng, khi đánh giá sự thua lỗ của doanh nghiệp Nhà nước thì phải căn cứ: Tại thời điểm đầu tư dự án đó trong điều kiện nào, khi quyết định đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp đã tính toán hết tất cả các rủi ro và các biện pháp phòng tránh rủi ro đó hay chưa? Hay là khi quyết định đầu tư dự án, mặc dù nhìn thấy rủi ro nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cứ làm vì động cơ vụ lợi cá nhân hoặc một nhóm lợi ích. Nếu vì điều đó mà anh làm thiệt hại lớn cho Nhà nước thì anh phải chịu trách nhiệm, không chỉ xử lý hành chính mà thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp cố tình như thế có nghĩa là lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đã lợi dụng vào vị thế của mình, lợi dụng đồng vốn của Nhà nước để quyết định đầu tư dự án, không quan tâm đến các rủi ro vì mục đích mưu cầu lợi ích cá nhân thì đương nhiện đây không còn là vấn đề hành chính nữa, nó phải là vấn đề hình sự. Ở đây không thể nói là hình sự hóa quan hệ kinh tế, bởi bản chất là anh có sai phạm hình sự.
Còn nếu như lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước không vì động cơ cá nhân, khi quyết định đầu tư một dự án, đã cho khảo sát, tính toán hết tất cả mọi vấn đề rủi ro, đã tham vấn chuyên môn rộng rãi đầy đủ và lường trước các rủi ro để có biện pháp ứng phó, nhưng khi thực hiện vẫn gặp rủi ro không thể dự báo trước thì đó là rủi ro khách quan, không thể quy chụp trách nhiệm hình sự…
Từ thực tế đó, chúng ta phải thay đổi thêm một điều nữa, phải tính đến chuyện giao đồng vốn của Nhà nước cho những người quản lý doanh nghiệp. Nếu những người quản lý doanh nghiệp Nhà nước điều hành doanh nghiệp đầu tư thua lỗ thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường ở mức độ nhất định, chứ không thể để anh muốn sử dụng đồng vốn của Nhà nước ra sao cũng được.
Ngược lại, nếu anh lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì anh cũng phải được hưởng mức xứng đáng, chứ không phải là chỉ được hưởng như một công chức bình thường.
Phải thay đổi quan điểm về giao tiền, giao tài sản Nhà nước và trách nhiệm bảo toàn vốn, bảo toàn tài sản Nhà nước cho những người quản lý doanh nghiệp. Phải trao quyền, đồng thời gắn trách nhiệm của họ. Như vậy sẽ tránh được chuyện lợi dụng đồng tiền của Nhà nước để làm lợi cho mình. Tôi nghĩ, nếu làm được như vậy thì việc quản trị doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước sẽ bình đẳng.
PV: Xin cảm ơn ĐBQH về những trao đổi trên!