Những điều không ghi trong biên bản Đại hội cổ đông

Những điều không ghi trong biên bản Đại hội cổ đông

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 7, 27/06/2020 19:45

“Chị kia bỏ điện thoại xuống, không được chụp ảnh", tôi giật mình vì lời nhắc nhở của một nhân vật - không xác định được chức vụ trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Vinaconex - một tổng công ty có vốn điều lệ gần 4.500 tỷ đồng và thu hút vốn của hàng nghìn nhà đầu tư.

Nói đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là đại hội cổ đông kỳ lạ nhất cũng không ngoa.

Từng cổ đông sau khi làm thủ tục kiểm tra tư cách như thông thường, "vinh dự" được một người - có thể là nhân viên của tổng công ty - dẫn đến từng chỗ ngồi được đánh số từ trước, hoàn toàn khác với cách tổ chức của các tổng công ty, tập đoàn có quy mô lớn tương tự.

Kỳ lạ hơn, ngay khi bước vào gian phòng hội trường nằm trên tầng 21 toà nhà trụ sở Vinaconex, tất cả các cổ đông đều nhận ra, điện thoại của mình chập chờn rồi...mất sóng. Không khó để thấy những cổ đông là nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc các doanh nhân phải quay trình bày với chính bảo vệ của Vinaconex để quay lại hành lang, nơi có sóng điện thoại để "giao phó" công việc của mình cho người khác trong lúc đại hội diễn ra.

Thậm chí khi một vài người giơ máy ảnh lên chụp quang cảnh đại hội như thông thường cũng nhận được những lời nhắc nhở không mấy thân thiện, dù quy chế hoạt động của đại hội cũng như luật Doanh nghiệp 2014, luật Chứng khoán lại không hề có quy định nào liên quan đến vấn đề này.

Tài chính - Ngân hàng - Những điều không ghi trong biên bản Đại hội cổ đông

Ông Đào Ngọc Thanh (giữa) - Chủ tịch HĐQT Vinaconex tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019

Đại hội của Vinaconex bắt đầu từ 8h30 và kéo dài tới tận 13h mới tạm kết thúc phần thảo luận trong không khí khá căng thẳng vì nhiều câu hỏi của cổ đông còn để ngỏ, chưa kể thời gian để đại diện Vinaconex đọc những nghị quyết dài dằng dặc đã được thông qua với tỷ lệ vừa đủ theo quy chế.

Đại hội đồng cổ đông, cả thường niên và bất thường, là một dịp quan trọng đối với các nhà đầu tư/cổ đông được cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp đang sử dụng đồng vốn của mình, bên cạnh vài báo cáo tài chính, báo cáo quản trị được công bố định kỳ cả năm.

Hơn nữa, đại hội cũng là cơ hội để những cổ đông không nắm quyền chi phối được thể hiện quyền của mình đã quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp 2014 khi họ được đóng góp tiếng nói, được chất vấn ban lãnh đạo doanh nghiệp về kết quả thực hiện, kế hoạch kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc tồn đọng.

Điều này có thể thấy rõ tại ĐHĐCĐ của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi đầu tháng 6 vừa qua.

Nhờ phương thức tổ chức đại hội công khai, những cổ đông của ITA mới có thể "diện kiến" bà Đặng Thị Hoàng Yến sau 8 năm bặt vô âm tín, nghe vị Chủ tịch này đưa ra các cam kết khả quan về kế hoạch kinh doanh thời gian tới. Sau đại hội, cổ phiếu ITA bật tăng trần, phản ánh sự tin tưởng, kỳ vọng của cổ đông với ban lãnh đạo doanh nghiệp, phần nào dập tắt những nghi vấn đã nhen nhóm nhiều năm qua.

Hay ở những kỳ đại hội của một ngân hàng vốn vài chục nghìn tỷ, người ta không khó để bắt gặp những cổ đông lão làng, tóc đã bạc phơ, cần mẫn vượt cả trăm cây số đến dự họp. Ở đó, họ đứng lên không phải để chất vấn, họ kể câu chuyện của bản thân, kể về 50 năm làm việc và tích luỹ được vài (chục) tỷ đồng, tin tưởng ban lãnh đạo mà rót toàn bộ số vốn dưỡng già của mình, mong cầu được nhận cổ tức hàng năm. Họ kỳ vọng nhận cổ tức hàng năm, kỳ vọng cổ phiếu tăng trưởng, chấp nhận rủi ro dù họ hoàn toàn có thể gửi số tiền đó vào ngân hàng hưởng lãi suất.

Cũng có những đại gia, họ rơi nước mắt tại đại hội vì bất lực, vì số tiền đổ vào cổ phiếu công ty từ hồi tăng trần liên tục nay rớt không phanh về mức "trà đá", thị trường không thanh khoản để kịp "thoát hàng".

Có những nhà đầu tư, họ đứng lên phát biểu, dài hơn cả bài phát biểu của đoàn chủ tịch vì câu chuyện họ chia sẻ là câu chuyện đầu tư thực, là hiện thực của doanh nghiệp trên thị trường.

Những câu chuyện trên, chỉ có cổ đông tham dự đại hội và ban lãnh đạo công ty mới biết được. Nó không bao giờ có mặt trên các nghị quyết hay biên bản họp đại hội đồng cổ đông.

Bởi vậy, chỉ cần nhìn vào cách thức tiến hành đại hội đồng cổ đông, cách lắng nghe và trả lời cổ đông, những thông tin mà ban lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ trong dịp hiếm hoi này... nhà đầu tư có thể đánh giá phần nào tính công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hay không.

Ngày 29/6 sắp tới, Vinconex - doanh nghiệp có vốn đầu tư tới 4.500 tỷ đồng sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Câu hỏi đặt ra, liệu cuộc họp năm 2019 có tái diễn, tiếng nói của cổ đông có được ban lãnh đạo lắng nghe hay không? Khi mà quy chế đại hội vẫn tiếp tục duy trì quy định: "Cổ đông khi vào phòng đại hội phải ngồi đúng vị trí hoặc khu vực do Ban tổ chức đại hội hướng dẫn. Tuân thủ việc sắp xếp vị trí chỗ ngồi của Ban tổ chức", "không nói chuyện riêng, không sử dụng điện thoại di động trong lúc diễn ra Đại hội" như nhiều năm qua?

Hiểu Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.