Những đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng với ngành nước Hà Nội

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 2, 15/05/2023 08:00

Khi điều chỉnh giá, ngành nước phải có trách nhiệm cung ứng nước sạch đáp ứng liên tục, đủ nhu cầu, chất lượng nước đảm bảo theo quy chuẩn đến với người dân.

Mới đây, Sở Tài chính vừa có Tờ trình gửi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố với lộ trình dự kiến áp dụng cho năm năm 2023 và 2024.

Theo đó, phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt sẽ được triển khai như sau: Giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; 

Từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3.

Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Theo thông tin từ Sở Tài chính, chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... tăng dẫn đến phải tăng giá nước sạch ở Hà Nội. Giá nước sạch được điều chỉnh tăng theo lộ trình, cơ bản không tác động lớn đến khả năng chi tiêu của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Tiêu dùng & Dư luận - Những đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng với ngành nước Hà Nội

Người dân mong muốn giá thành tăng sẽ ổn định chất lượng và sản lượng nước sạch, tránh trường hợp mất nước, thiếu nước sinh hoạt xảy ra trong thời gian vừa qua (Ảnh: Trọng Tùng).

Ngoài ra, giá nước sạch được điều chỉnh sẽ tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cấp nước, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô.

Việc điều chỉnh giá nước sinh hoạt ở Hà Nội dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023. Như vậy, nếu được thông qua, giá nước sạch ở Hà Nội sẽ tăng mạnh từ tháng 7/2023.

Nhu cầu dùng nước sạch chưa bao giờ giảm

Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Duy (Hoàng Mai) là một người đi thuê trọ và đang sinh sống một mình. Là một người làm việc ở nhà toàn thời gian, số tiền nước cố định 100.000 đồng/tháng là hợp lý trong chi tiêu, vì nhu cầu sử dụng điện nước của anh khá lớn. 

Khi được hỏi về thông báo tăng giá nước sạch trong thời gian tới, anh chia sẻ: “Nếu việc tăng giá nước là thiết yếu thì tôi cũng như người dân phải chấp nhận, vì không thể thiếu nước sạch trong sinh hoạt được”. 

Còn với 1 hộ gia đình trẻ, chị Yến ở Nam Từ Liêm cho biết chị có đọc được các thông tin thay đổi giá nước qua các phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa có thông báo chính thức từ phía công ty cấp nước. 

Việc tăng giá nước theo dự kiến cũng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt gia đình ít nhiều nhưng nếu đổi lại là được sử dụng chất lượng nước tốt hơn thì chị rất sẵn lòng, vì nguồn nước tác động nhiều đến sức khỏe. Được biết, số nước gia đình này tiêu thụ 1 tháng từ 80.000 đồng đến 170.000 đồng.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Mai Anh (Đống Đa): “Thông báo tăng giá nước đi cùng với thông báo tăng giá điện, mọi chi phí cũng đều tăng lên khiến người dân cảm thấy phần nào khó khăn trong chi tiêu”.

Tuy nhiên, vì nhu cầu sử dụng nước sạch chưa bao giờ giảm nên chị Mai Anh mong muốn giá thành tăng sẽ ổn định chất lượng và sản lượng nước sạch, tránh trường hợp mất nước, thiếu nước sinh hoạt xảy ra trong thời gian vừa qua.

Trách nhiệm cung cấp nước sạch liên tục

Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá nước sạch hiện hành ở Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2013 đến nay đã tròn 10 năm. Mức giá này đã trở nên không còn phù hợp khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá nước đã tăng lên khá lớn.

Tiêu dùng & Dư luận - Những đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng với ngành nước Hà Nội (Hình 2).

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục giá (Bộ Tài chính).

Cụ thể, làm một phép so sánh đơn giản, tiền lương tối thiểu vùng năm 2023 cao gấp 1,73 lần so với năm 2012; lạm phát tăng 30%; chỉ số giá nguyên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất năm 2022 so với năm 2018 tăng 20,42%.

Chính vì vậy, theo ông Thoả, chi phí đầu vào tăng làm cho chi phí sản xuất và giá thành nước sạch tăng cao hơn so với giá thực bán. Sự không hợp lý trên gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp cấp nước. Ngoài ra, giá bán nếu tiếp tục duy trì thấp hơn giá sản xuất sẽ không tạo động lực thúc đẩy ngành nước, nâng cao năng lực cấp nước cũng như thu hút đầu tư phát triển ngành nước sạch.

Nhận định về lộ trình điều chỉnh giá trong 2 năm 2023 và 2024, Chủ tịch Nguyễn Tiến Thoả cho rằng đây là cách xử lý hợp lý, chi phí trả tiền nước tăng thêm thấp, phù hợp với thu nhập, chi tiêu của hộ gia đình. Bởi nếu chỉ dồn vào một lần thì mức độ tăng chi phí là rất lớn, dễ gây sốc, ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình sản xuất.

Trao đổi về những ý kiến của người dân xung quanh việc tăng giá nước, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh, khi điều chỉnh giá, ngành nước phải có trách nhiệm cung ứng nước sạch đáp ứng liên tục, đủ nhu cầu, chất lượng nước đảm bảo theo quy chuẩn.

Đồng thời, phải làm thật tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước sử dụng và tính tiền nước. “Tôi nghĩ đây là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng mà ngành nước Hà Nội phải đáp ứng”, ông Thoả nói.

Phương Anh - Phương Thảo

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.