Giá cả tăng, nợ và tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 đang bắt đầu làm lu mờ câu chuyện phục hồi kinh tế của châu Âu.
Theo trang Politico, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 24/11 đã yêu cầu các chính phủ cảnh giác và sẵn sàng hành động nếu những đám mây đen phía chân trời biến thành bão, như một phần trong nỗ lực điều phối chính sách kinh tế trong toàn khối - được gọi là Học kỳ châu Âu.
Lời cảnh báo thận trọng được đưa ra bất chấp các dự báo tăng trưởng mạnh mẽ của khối, sau cuộc suy thoái sâu nhất kể từ Thế chiến II.
Cảnh giác trước các trở ngại
Nền kinh tế của khu vực đồng Euro (Eurozone) dự kiến sẽ mở rộng thêm 5% trong năm nay nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao, và tiếp tục đà tăng trưởng đó trong năm tới, với mức tăng 4,3%.
Nhưng những dự báo đó phải đối mặt với những bất ổn lớn đã xuất hiện trong những tháng gần đây do giá năng lượng tăng và tình hình dịch bệnh căng thẳng, đặc biệt là ở Đông Âu, khiến EC phải phát ngôn thận trọng.
"Nền kinh tế châu Âu đang phát triển mạnh mẽ nhưng đang gặp phải những trở ngại: các ca nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh, lạm phát tăng vọt và các vấn đề chuỗi cung ứng đang diễn ra", Ủy viên Kinh tế Paolo Gentiloni cho biết trong một tuyên bố. “Bức tranh kinh tế phức tạp này đòi hỏi các chính sách được hiệu chỉnh cẩn thận”.
“Chúng ta cần phải duy trì sự phục hồi đúng hướng và chuyển hướng sang một mô hình tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện hơn cho thời kỳ hậu đại dịch,” Ủy viên người Ý này cho biết thêm.
Ngôn ngữ thận trọng đặc biệt nhắm vào Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, những quốc gia đã chứng kiến mức nợ công cao của họ tăng lên do đại dịch.
Đặc biệt, Ý nên cố gắng kiềm chế chi tiêu công và sử dụng đầy đủ quỹ phục hồi của EU, EC cho biết. Còn những quốc gia thành viên khác cần theo dõi chặt chẽ ngân sách của họ.
Học kỳ châu Âu mùa thu được xây dựng dựa trên dự thảo kế hoạch chi tiêu cho năm tới mà các chính phủ đã gửi đến Brussels để xem xét kỹ lưỡng sau mùa hè.
Thông thường, EC sẽ kiểm tra xem liệu các dự thảo này có phù hợp với các quy tắc về nợ và thâm hụt của khối hay không.
Nhưng những quy tắc này đã bị đóng băng kể từ tháng 3/2020 để đảm bảo các quốc gia có đủ nguồn lực tài chính để chiến đấu với đại dịch và giải cứu nền kinh tế của họ.
Những quy tắc này sẽ được áp dụng lại bắt đầu từ năm 2023.
Cho đến lúc đó, EC chỉ có thể tư vấn cho các chính phủ về những chính sách chi tiêu cần theo đuổi trong đánh giá chung về các dự thảo ngân sách của họ.
Lời khuyên phần lớn là không thay đổi: Các quốc gia cần tiếp tục chi tiêu sao cho giữ sự phục hồi đi đúng hướng và sử dụng đầy đủ quỹ phục hồi trị giá 723,8 tỷ Euro của EU.
Tuy nhiên, các chính phủ cần bắt đầu chuyển quỹ công khỏi các biện pháp khẩn cấp và hướng tới các dự án sẽ thúc đẩy nền kinh tế bằng các cải cách và đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và cơ sở hạ tầng số.
Mất cân bằng ngày càng mở rộng
Ngoài ra, đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô nhất định trong toàn khối, chẳng hạn như giá nhà tăng và gánh nặng nợ cao đối với các công ty, EC cho biết.
Tiền lương cũng đang tăng “đáng kể” ở một số quốc gia, do nhu cầu về người lao động tăng lên để phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế. Điều đó cũng có thể dẫn đến giá cả tăng.
Nợ doanh nghiệp cao có thể trở thành một vấn đề khi các chính phủ bắt đầu rút lại các kênh hỗ trợ công, khiến các công ty phải tự chi trả hóa đơn và các khoản vay.
Điều đó sẽ ảnh hưởng đến ngành ngân hàng nếu các công ty như vậy ngừng trả các khoản vay của họ. Các khoản vay này có thể ảnh hưởng tới bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, buộc họ phải hạn chế cho vay đối với nền kinh tế.
EC sẽ xem xét kỹ lưỡng những sự mất cân bằng này bằng cách thực hiện các đánh giá chuyên sâu về Croatia, Síp, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Những đánh giá này sẽ được xuất bản vào mùa xuân năm sau.
Các quan chức EC vẫn tự tin về dự báo kinh tế tích cực của họ khi đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng. Quỹ phục hồi của EU, nếu được sử dụng hợp lý và các nỗ lực tiêm chủng được tiếp tục, sẽ chuyển thành tăng trưởng cao, từ đó giúp các kho bạc và các công ty giảm bớt nợ của họ.
“Phản ứng chính sách kinh tế phối hợp của chúng ta đối với đại dịch trong 2 năm qua vừa mạnh mẽ vừa thành công,” Gentiloni nói với các phóng viên. "Bây giờ chúng ta phải điều hướng một giai đoạn mới, hoàn toàn phức tạp hơn".
Học kỳ Châu Âu là khuôn khổ để giám sát tổng hợp và điều phối các chính sách về kinh tế và việc làm trên toàn Liên minh Châu Âu (EU). Kể từ khi được giới thiệu vào năm 2011, nó đã trở thành một diễn đàn quan trọng để thảo luận về những thách thức chính sách tài khóa, kinh tế và việc làm của các nước EU theo một lịch trình hàng năm chung.
Do những thay đổi trong bối cảnh chính sách sau cuộc khủng hoảng Covid-19, vào tháng 10/2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu lại cuộc tranh luận công khai về việc xem xét lại khuôn khổ quản lý kinh tế của EU.
Mục đích của đánh giá là nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát tổng hợp và điều phối chính sách ở EU trong Học kỳ Châu Âu. Cuộc tranh luận công khai sẽ giúp đạt được sự đồng thuận rộng rãi trên con đường phía trước.
Minh Đức (Theo Politico, European Commission website)