Giáo viên lưu ý học sinh ôn tập giai đoạn nước rút
Với một kỳ thi mang tính cạnh tranh cao, việc lo lắng là điều khó tránh khỏi, song thí sinh cần ghi nhớ, việc nắm vững quy chế thi và những quy định liên quan của Sở GD&ĐT Hà Nội là yêu cầu bắt buộc để vừa tránh bị vi phạm quy trong quá trình dự thi, vừa bảo đảm quyền lợi của mình.
Học sinh lưu ý làm đủ số bài thi, không vi phạm quy chế thi và không có bài thi nào bị điểm 0. Vì vậy, ngoài việc làm đủ 3 bài thi (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ), thí sinh cần làm bài trung thực, tuyệt đối không có hành vi gian lận, nếu không chấp hành nghiêm túc có thể mất quyền lợi dự tuyển vào trường công lập.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 – 2023 sắp diễn ra, giáo viên lưu ý học sinh ôn tập giai đoạn nước rút và cách làm bài thi tránh những lỗi, sai sót đáng tiếc.
Các trường THCS đã cho học sinh tự ôn tập, nghỉ ngơi trước kỳ thi. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn kín lịch ôn luyện các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ tại các trung tâm, lò luyện thi.
Chia sẻ với Tiền Phong, cô Lê Thị Hương, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, học sinh cần vừa học tập, ôn luyện một cách khoa học, bố trí thời gian học và nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Mỗi ngày đặt ra kế hoạch sẽ ôn tập một phần nội dung, trước khi đi ngủ tự xem mình đã hoàn thành kế hoạch hay không.
Đặc biệt khi làm bài thi, học sinh lưu ý những lỗi thường gặp và mất điểm một cách rất đáng tiếc đối với môn Toán, như: Lỗi vẽ sai hình ở bài hình. Trong đề thi, bài hình chiếm tới 3 điểm, nếu học sinh vẽ sai hình sẽ mất điểm hoàn toàn, rất đáng tiếc. “Ngoài ra, cần đọc kỹ đề, làm cẩn thận từng câu ra giấy nháp sau đó mới làm vào bài thi và quan trọng hơn hết là các em phải dành khoảng 10 phút cuối để rà soát, tính lại các đáp án trước khi nộp bài”, cô Hương nói.
Đối với bài thi môn Ngoại ngữ, cô Lưu Tú Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, khuyên, học sinh cần sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tâm lý căng thẳng, áp lực dẫn đến việc bài thi không hiệu quả.
Cũng theo cô Oanh, những năm gần đây, học sinh được đầu tư và có năng lực tiếng Anh vượt trội trong khi đề thi cơ bản, không quá khó. Do đó, có tình trạng học sinh chủ quan hoàn thành đề thi trong vòng ít phút và… nằm ngủ đến hết thời gian thi. Tuy nhiên, sau đó mới ngỡ ngàng phát hiện mình đã mắc sai lầm, không đọc kỹ đề, không sử dụng phương án loại trừ các đáp án, vội vàng tích vào ô mình nghĩ là đúng trong khi đó, vẫn có đáp án gây nhiễu. Hay đối với bài đọc, học sinh cần đọc một lượt từ đầu đến cuối bài để hiểu nội dung chính, gạch chân từ khóa trong câu hỏi rồi mới trả lời.
Năm nay thí sinh dự thi vào lớp 10 đông, do đó tính cạnh tranh sẽ cao, cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội, nói rằng, học sinh cần ôn thật kỹ về phương thức biểu đạt của văn bản, các biện pháp tu từ và tác dụng của các biện pháp tu từ, phương tiện liên kết câu trong văn bản để trả lời chính xác các câu hỏi trong phần đọc hiểu. Ở phần nghị luận văn học, học sinh không để mất điểm ở những nội dung cơ bản liên quan tác giả, tác phẩm như năm sinh, năm mất, quê quán, phong cách sáng tác… “Nắm chắc chủ đề nội dung tư tưởng của tác phẩm, khi làm văn phải đọc thật kỹ yêu cầu đề bài để viết đoạn văn, chú ý tránh các lỗi về lạc đề hay viết quá dài dòng. Ngoài ra, cách diễn đạt bài văn cần rõ ràng, mạch lạc, có sáng tạo để đạt được điểm cao”, cô Nga cho biết.
Mốc thời gian cần lưu ý
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 – 2023 Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến sẽ công bố điểm thi, điểm chuẩn cho thí sinh trong cùng một ngày thay vì biết điểm thi trước điểm chuẩn sau vài ngày như các năm trước.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm thi, điểm chuẩn cho thí sinh trong cùng một ngày thay vì biết điểm thi trước điểm chuẩn sau vài ngày như các năm trước. Chậm nhất ngày 9/7, Sở sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh, bàn giao phiếu báo kết quả thi cho các cơ sở giáo dục để phát cho thí sinh. Cùng ngày Sở sẽ công bố điểm chuẩn xét tuyển tại trường chuyên và trường THPT công lập.
Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trong ba ngày 10-12/7 (trực tiếp hoặc trực tuyến). Các trường THPT tuyển bổ sung từ 19 đến 22/7.
Toàn thành phố được chia làm 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, vẫn như mọi năm, năm nay, Hà Nội cho phép học sinh được đổi khu vực tuyển sinh. Theo đó, những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì được phép đổi khu vực tuyển sinh.
Năm nay Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội có gần 130.000 sĩ tử tham gia nhưng chỉ có 77.000 suất vào các trường THPT công lập. Đây là năm có tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao kỉ lục ở Hà Nội trong nhiều năm qua. Một số trường có tỉ lệ chọi cao nhất như THPT Yên Hòa có tỷ lệ chọi 1/3,03, cao nhất từ trước đến nay; THPT Chu Văn An với tỷ lệ 1/2,87; THPT Sơn Tây với tỷ lệ 1/2,73. THPT Nhân Chính đứng thứ tư với tỷ lệ 1/2,53.
Cũng trong năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10. Bởi trước đó, học sinh lớp 9 phải học trực tuyến gần như toàn bộ năm học; vì vậy, thi ba môn nhằm tránh gây áp lực, quá tải với học sinh. Theo đó, kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội sẽ diễn ra với ba môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ.
Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội kiên trì chủ trương bảo đảm 100% học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký dự tuyển và chỉ tiêu được giao, học sinh có thể biết được “tỷ lệ chọi” vào lớp 10 của từng trường trung học phổ thông công lập năm học 2022-2023. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển.
Sáng 18/6, học sinh làm bài thi Ngữ văn (120 phút); chiều cùng ngày thi Ngoại ngữ (60 phút); sáng 19/6, thi môn Toán (120 phút).
Trúc Chi (t/h)