Hậu Covid-19 là gì?
Tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra định nghĩa: "Tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở các cá thể có tiền sử nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc Covid-19, thường 3 tháng kể từ khi bệnh khởi phát với triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng mà không tìm được chẩn đoán thay thế".
Tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 dao động tùy theo nghiên cứu ở các quốc gia, lứa tuổi, quần thể cũng như thời gian xuất hiện triệu chứng. Hơn nữa, các triệu chứng đa dạng và thay đổi, tỷ lệ mắc cũng khác nhau. Do đó, hiện chưa có con số chính xác tỷ lệ mắc hậu Covid-19 ở trẻ em.
Với trẻ em, hậu Covid-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.
Biểu hiện hậu Covid-19 ở trẻ em
Biểu hiện hô hấp: Ho kéo dài quá 4 tuần, đau tức ngực, khó thở khi gắng sức. Trẻ trên 6 tuổi mà có các triệu chứng này kéo dài cần đo chức năng hô hấp. Trẻ em khó thở khi gắng sức kéo dài không hết cần kiểm tra tim để loại trừ cục máu đông.
Biểu hiện tim mạch: Đau ngực, khó thở khi gắng sức, nhịp tim không đều, mệt mỏi. Trẻ em trên 6 tuổi hoặc thiếu niên nếu các dấu hiệu này dai dẳng mức độ trung bình, nặng thì cần kiểm tra kỹ tim trước khi cho trẻ đi học hoặc tham gia các hoạt động thể thao trở lại.
Mệt mỏi thể chất: Trẻ dễ mệt hơn khi hoạt động thể chất, kém hơn so với trước khi bị bệnh. Do đó hạn chế các hoạt động thể lực. Thậm chí dẫu không có vấn đề gì về tim phổi, trẻ vẫn có thể dễ mệt mỏi.
Nhức đầu: Đây là triệu chứng khá phổ biến, nếu tình trạng kéo dài quá 4 tuần, không giảm hoặc đau đầu mức độ nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ cần cho con đi khám.
Tâm thần kinh: Trẻ có biểu hiện như rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, giảm khả năng tập trung chú ý, học hành sa sút, tâm trạng tính tình thay đổi.
Rối loạn mùi vị: Trẻ lớn có thể than phiền, trẻ nhỏ thường biểu hiện chán ăn, ăn kém kéo dài kể cả sau khi phục hồi Covid-19 quá 4 tuần cũng nên đi kiểm tra.
Chứng sương mù não: Trẻ có thể trở nên đãng trí, khó tập trung, đọc chậm hơn và hay ngắt quãng so với trước…
Biểu hiện tâm lý ở trẻ: Trẻ thay đổi tính cách, có biểu hiện trầm cảm, lo âu.
Biểu hiện của đái tháo đường: Tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều, đói nhiều và sụt cân, mệt mỏi.
Hội chứng viêm đa cơ quan: Trong vòng 2 tháng nếu trẻ khởi phát một đợt sốt quá 3 ngày không giảm kèm theo một loạt các triệu chứng ở các cơ quan khác như: Đỏ mắt, phát ban, môi - lưỡi đỏ, đau bụng - ói - tiêu chảy, ho - sổ mũi… thì cần nghĩ đến hội chứng này để cho con khám ngay lập tức.
Hậu Covid-19 điều trị thế nào?
Bệnh nhi đi tham khám sẽ được bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng thể, xác định các triệu chứng chính hiện tại, nếu cần sẽ được hội chẩn hoặc thăm khám lại bởi các bác sĩ chuyên khoa khác nhau, kiểm tra các xét nghiệm, biện pháp thăm dò như chụp phim, siêu âm, đánh giá chức năng hô hấp... và có kế hoạch điều trị cụ thể. Ví dụ triệu chứng đau ngực sau mắc Covid-19 sẽ được khám với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, triệu chứng ho sẽ được khám với các bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
Không phải tất cả triệu chứng xuất hiện sau mắc Covid-19 đều là hậu Covid-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu Covid-19, cần loại trừ nguyên nhân khác. Ví dụ, bé đến khám vì ho kéo dài, sụt cân sau mắc Covid-19, hoàn toàn có thể bị viêm phổi hoặc các bệnh lý hô hấp khác.
Hiện tại, tình trạng hậu Covid-19 vẫn còn là vấn đề mới và cần nghiên cứu thêm. Do đó có thể còn nhiều thay đổi về các triệu chứng, cách theo dõi, phương pháp điều trị tình trạng này trong thời gian tới.
Theo WHO, thời gian theo dõi trước khi chẩn đoán mắc tình trạng hậu Covid-19 thường là 3 tháng sau khi trẻ mắc các triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng ảnh hưởng nhiều tới trẻ hoặc những trẻ có bệnh lý nền hoặc trước đó mắc Covid-19 mức độ trung bình trở lên thì có thể đi khám sớm hơn.
Lúc này trẻ sẽ được đánh giá mức độ nặng, tìm nguyên nhân của các triệu chứng hiện tại, mức độ hồi phục của Covid-19, phát hiện các biến chứng, điều chỉnh việc điều trị bệnh lý nền nếu cần… để có hướng khắc phục sớm.
Lưu ý: Hiện nay trong các group, các trang thông tin điện tử có rất nhiều thông tin gây nhiễu. Các bậc phụ huynh cần có chọn lọc để không bị lo lắng quá mức và cũng không được chủ quan. Điều quan trọng là nếu trẻ mắc Covid-19, cần bình tĩnh và theo dõi trẻ cẩn thận.
Bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ nhanh hồi phục
Để trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau khi mắc Covid-19, cha mẹ lưu ý:
Cha mẹ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Cần cho trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung vitamin để cung cấp đa dạng các vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
Tăng cường thực phẩm giàu protein như: Thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt... để tái tạo và phục hồi các tế bào và mô và giúp cơ thể sản xuất các kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.
Cho trẻ ăn những món hợp khẩu vị mà trẻ thích, thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như các món cháo, súp…
Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn và các loại nước uống công nghiệp.
Trúc Chi (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, Vnexpress, Lao Động)