Thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo từ ngày 18/7 đến hết ngày 27/7 tại nơi đăng ký dự thi.
Tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có) chậm nhất ngày 5/8; xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo hoàn thành chậm nhất ngày 12/8.
Đối với những thí sinh xét tuyển đại học, bắt đầu từ ngày 10-30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
(Ảnh minh họa).
Thí sinh có 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 31/7 đến ngày 6/8/2023.
Thí sinh sẽ nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 22/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 6/9/2023.
Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 25/7/2023. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ có 20 ngày, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn 3 tuần so với mốc 17/9 và 30/9 của năm ngoái.
Ngoài ra, năm 2023, điểm ưu tiên khu vực giảm khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm/tổ hợp trở lên. Cùng với đó là điểm ưu tiên chỉ có giá trị trong 2 năm, năm thí sinh thi tốt nghiệp THPT và một năm sau đó.
Năm nay, có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.
Tổng số thí sinh dự thi là 1.012.398 đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62%; Ngoại ngữ: 99.61%.
DIỆU THU