Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Xuân (70 tuổi), người dân xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, khi bà vừa phơi tăm hương vừa tranh thủ nói về công việc của mình. Gia đình bà Xuân đã làm công việc này nhiều đời nay, từ khi lớn lên bà đã được người lớn dạy làm.
Bà Trần Thị Xuân, một trong những người dân gắn bó với nghề làm tăm hương gia truyền
"Nhìn thì đơn giản, nhưng công việc này cần rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Ngày trước là tăm vuông, tăm vuông mới chạy bằng tay, tăm tròn là chạy bằng máy. Họ chẻ vầu bằng tay xong đi phơi khô. Phơi khô rồi chạy máy để ra que tăm này… Những que tăm hương sau khi được chà nhẵn, sẽ được phân chia theo độ dài rồi bó lại, tăm hương được bó tròn từng bó rồi mang đi nhuộm màu và chở ra bãi trống để phơi", bà Xuân chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình có truyền thống làm tăm hương gần 40 năm ở xã Quảng Phú Cầu, chị Nguyễn Thu Phương (35 tuổi) thôn Quảng Nguyên – người được phong Nghệ nhân làng nghề năm 2022, là một người trẻ nhưng luôn đau đáu phát triển nghề làm hương truyền thống của gia đình.
Chị Phương chia sẻ: “Công việc làm hương, tăm hương đã như ngấm vào máu nên mới 7-8 tuổi, Phương đã thành thạo các công đoạn để làm hương, tăm hương”.
Những người con của làng nghề tiếp tục nối nghiệp cha ông
Năm 2010, chị Phương thành lập Cơ sở sản xuất hương ở nhà chồng mang thương hiệu của riêng mình. "Lúc mới đi vào hoạt động, cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn như kinh nghiệm quản lý, tìm kiếm thị trường; ngoài ra tiền vốn cũng là một vấn đề với người bắt đầu khởi nghiệp như chúng tôi", chị Phương tâm sự.
Với công đoạn làm bột hương, nguyên liệu chính được sử dụng là hỗn hợp bột quế, trấu và mùn cưa, nay còn sử dụng thêm cả trám, nụ trầm, bồ kết để đem lại những mùi hương mới lạ cho sản phẩm.
Đối với chân hương, người dân Quảng Phú Cầu chủ yếu sản xuất từ cây vầu. Những thanh vầu được chị đặt mua về từ các vùng núi như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Thân cây vầu được chuẩn bị để dùng làm tăm hương
Nỗ lực vượt khó, sau hàng chục năm phát triển, đến nay cơ sở sản xuất hương của chị Phương tạo công ăn việc làm đều cho hàng chục lao động với tiền công hơn 200.000 đồng/người/ngày.
"Cơ sở sản xuất của gia đình tôi có 8 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP", chị Phương tự hào chia sẻ về chất lượng sản phẩm mà cơ sở của mình làm ra.
Cũng theo người nghệ nhân trẻ này, những năm gần đây, các sản phẩm hương đen hay chân nhang của vùng ngoài cung cấp thị trường trong nước, còn được xuất sang các nước như Ấn Độ, Malaysia và một số nước Đông Nam Á...
Có thể thấy, để hoàn thành một nén hương, người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chẻ tre (hoặc vầu), vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói...
Nói thêm về câu chuyện làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Tiến Thi, một trong những người giữ lửa của làng hương trăm tuổi chia sẻ: "Từ tháng 10, tháng 11, tháng 12 Âm lịch là mọi người se để bán Tết, phụ thuộc thời tiết nắng nóng để phơi. Tức là ngày xưa thì phải dậy sớm lắm, phải dậy từ 4-5h sáng. Còn bây giờ cứ 7h là làm, chiều tối thì 6h nghỉ, tiết kiệm được thời gian vì làm máy móc rất nhanh".
Với những người dân nơi đây, vào những ngày nắng to, phơi hương cũng là một trong những công việc quan trọng trong công đoạn sản xuất tăm hương. Từng bó hương được xòe ra, bung tỏa như những đóa hoa khổng lồ dưới ánh nắng rực rỡ.
Tăm hương được phơi trước sân chùa, đường làng tại địa phương
Hoạt động làm tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu diễn ra sôi động suốt cả năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là vào khoảng 2, 3 tháng trước Tết cổ truyền dân tộc. Những ngày này, khắp các làng trên, xóm dưới, nhà nào cũng tất bật gia tăng sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Được biết, trước đây, nghề làm tăm hương chỉ tập trung tại thôn Phú Lương Thượng với quy mô nhỏ lẻ, sau đó đã được mở rộng ra toàn xã. Từ chỗ chỉ là một nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn; đến thời điểm hiện tại, nghề làm tăm hương đã phát triển, trở thành công việc chính, đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân tại đây.
Ngoài làm tăm hương, từ vầu, tre, nứa, người dân Quảng Phú Cầu cũng đã làm thêm các sản phẩm như tăm tre, que xiên, chổi tre, cót,… phục vụ nhu cầu thị trường, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Đảm, Trưởng thôn Làng Cầu Bầu, cũng nhờ những sản phẩm độc đáo của làng nghề, chân hương với đầy đủ màu sắc xanh, đỏ, tím vàng, chế ra thành nhiều màu và xếp thành nhiều hình: đất nước Việt Nam, hình ông sao, lá cờ đỏ sao vàng,... thời gian gần đây địa phương thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó có đến 80% là khách quốc tế tìm về tham quan và tìm hiểu làng nghề.
Hồng Hương