Cảnh sát giao thông dừng xe trong 4 trường hợp
Từ ngày 15/9/2023, Thông tư 32/2023/TT-BCA Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (gọi tắt là Thông tư 32) bắt đầu có hiệu lực.
Theo thông tư này, cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch thì có quyền dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 4 trường hợp. Cụ thể như sau:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
c) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
d) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Thông tư 32 cũng không bắt buộc cảnh sát giao thông phải chào bằng lời nói “Chào ông, bà, anh, chị…”, sau đó nói: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị…cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông” như Thông tư 65/2020/TT-BCA. Thay vào đó, cảnh sát giao thông có thể chào bằng hiệu lệnh.
Quy định mức lệ phí đăng ký, cấp biển xe cơ giới mới
Từ ngày 22/10/2023, Thông tư 60/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là Thông tư 60) sẽ có hiệu lực. Theo đó, Thông tư 60 có nhiều thay đổi về mức lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với xe ô tô và xe máy.
Trong đó, lệ phí này dành cho loại xe bán tải là tăng lớn nhất. Nếu mức phí đăng ký kèm theo biển số trước đây chỉ là 500 nghìn đồng/ lần đối với khu vực I là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì nay tăng lên 20 triệu đồng/lần ở cùng khu vực. Có thể thấy, mức phí này áp dụng cho xe bán tải đã tăng lên 40 lần so với quy định cũ.
Bảng mức lệ phí đăng ký, biển số xe cơ giới theo Thông tư 60:
Đơn vị tính: đồng/lần/xe
Số TT | Nội dung thu lệ phí | Khu vực I | Khu vực II | Khu vực III |
I | Cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số | |||
1 | Xe ô tô, trừ xe ô tô quy định tại điểm 2, điểm 3 mục này | 500.000 | 150.000 | 150.000 |
2 | Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up) | 20.000.000 | 1.000.000 | 1.000.000 |
3 | Rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời | 200.000 | 150.000 | 150.000 |
4 | Xe mô tô | |||
a | Trị giá đến 15.000.000 đồng | 1.000.000 | 200.000 | 150.000 |
b | Trị giá trên 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng | 2.000.000 | 400.000 | 150.000 |
C | Trị giá trên 40.000.000 đồng | 4.000.000 | 800.000 | 150.000 |
Thông tư 60 cũng đưa ra quy định mức phí dành cho các loại xe khác nhau với cả xe ô tô và xe máy. Trong đó, đối với xe máy thì căn cứ chủ yếu là dựa vào trị giá của xe và khu vực đăng ký xe. Những xe mà có giá trên 40 triệu đồng thì ở khu vực I, phí cấp đăng ký và biển số xe lên tới 4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Thông tư 60 cũng quy định rõ các mức phí dành cho việc cấp đổi chứng nhận đăng ký, biển số xe; cấp chứng nhận đăng ký, biển số tạm thời.
Minh Trí