Loại bỏ những phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển
Năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ những phương thức không phù hợp, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. Trước đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giảm. Ông Sơn cho biết việc này không phải do bộ đặt ra mà bộ đề nghị các trường xem xét. Vừa rồi bộ tổng hợp 20 phương thức do các trường đề xuất lên thấy cần phải xem xét vì có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.
Khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và dựa trên điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, một mặt đảm bảo hiệu quả và quan trọng nhất tuyển sinh phải đảm bảo tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.
"Đề nghị các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh trong năm 2023. Chúng ta cố gắng làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh để đến năm 2023 trên phần mềm thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức nữa. Việc này hệ thống có thể làm được", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo đó, thí sinh chỉ chọn ngành, chương trình đào tạo, không cần phải chọn phương thức. Hệ thống chung và hệ thống của các trường phải có cách lọc để thí sinh căn cứ đăng ký vào ngành sẽ tự động xem phương thức nào các em đạt điều kiện tốt nhất để tránh việc phải lựa chọn phương thức xét tuyển".
Bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, Bộ cũng rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
"Các trường cần hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh", bà Thủy lưu ý.
Trong Hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2021-2022, được tổ chức ngày 12/9, Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết gần 400.000 thí sinh được công bố đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm, nhưng chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng một. Còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
"Số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhiều mà thực tế chỉ một phần ba đăng ký nguyện vọng một. Điều này cho thấy việc yêu cầu nhập học ngay khi trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm giống như năm trước thì tỷ lệ ảo rất cao", bà Thuỷ nói.
Nhiều trường đại học công bố tuyển sinh riêng
Năm 2023, lần đầu tiên, 8 trường đại học sư phạm lớn của cả nước công nhận kết quả và dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Theo đó, 8 trường đại học gồm: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Vinh, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng, Sư phạm Quy Nhơn và Sư phạm Tp.HCM đã thống nhất dùng chung kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực để xét tuyển.
Trong số này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến dành khoảng 20-30% chỉ tiêu xét từ điểm thi đánh giá năng lực. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ căn cứ vào số thí sinh đăng ký thi để tổ chức 1 hoặc 2 đợt, dự kiến đầu tháng 5/2023. Nếu có nhiều thí sinh đến từ khu vực xa Hà Nội, kỳ thi có thể diễn ra đồng thời tại một hoặc nhiều trường trong 8 trường sư phạm nhằm giúp các em thuận lợi trong di chuyển. Về cấu trúc bài thi, đề thi cơ bản không đổi với 8 môn thi Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề Ngữ văn có 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.
Cũng trong năm 2023, trường Đại học Thủy Lợi dự kiến tuyển sinh 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Đáng chú ý, trường đang xây dựng đề án mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung. 5 phương thức xét tuyển trường sử dụng: Xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp với kết quả học THPT cho học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh các trường chuyên (đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển), học sinh có học lực xếp loại giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả học tập THPT. Tiếp đến là phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng 100 chỉ tiêu, dành 25% chỉ tiêu cho điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Cụ thể nhà trường tuyển sinh theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng (2%), xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (25%), xét tuyển điểm thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức với 7 mã tuyển sinh bao gồm: Thống kê kinh tế, Toán kinh tế, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Định phí bảo hiểm và QTRR, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh: 3%. Đặc biệt, năm học tới trường sẽ xét tuyển kết hợp (70% tổng chỉ tiêu). Phương thức này áp dụng xét với tất cả các mã ngành/chương trình tuyển sinh năm 2023 với 5 nhóm sau: Thí sinh có chứng chỉ SAT và ACT (3% chỉ tiêu), thí sinh điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (đạt từ 85 điểm), Đại học Quốc gia Tp.HCM (đạt từ 700 điểm) (17-20%), thí sinh có chứng chỉ IELTS/ TOEFL iBT/ TOEIC 4 kỹ năng kết hợp điểm thi đánh giá năng lực. Cùng với đó, trường xét các thí sinh có chứng chỉ IELTS/ TOEFL iBT/ TOEIC 4 kỹ năng kết hợp điểm thi 2 môn thi tốt nghiệp THPT 2023 ( 20% chỉ tiêu), thí sinh hệ chuyên các trường THPT chuyên kết hợp điểm thi 2 môn thi tốt nghiệp THPT 2023 (10% chỉ tiêu). Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30).
Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM (IUH) dự kiến tuyển sinh năm 2023 hơn 8.000 chỉ tiêu thông qua 4 phương thức xét tuyển cho 13 tổ hợp môn. Các phương thức xét gồm: xét tuyển thẳng (10% chỉ tiêu), xét học bạ (30% chỉ tiêu), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (50% chỉ tiêu), xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức (10% chỉ tiêu). Tại Phân hiệu Quảng Ngãi, trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển như trụ sở chính, nhưng ở phương thức sử dụng kết quả học tập THPT năm lớp 12, ngưỡng nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu bằng 19 điểm.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM thông báo tuyển sinh đại học năm 2023 theo 4 phương thức: xét điểm học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM, xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển thẳng. Với phương thức tuyển thẳng và xét học bạ THPT, nhà trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển online hoàn toàn. Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển từ ngày 1/3/2023 đến hết ngày 6/6/2023. Ngày 30/6/2023, trường công bố kết quả học sinh đủ điều kiện vào học tại trường và sẽ chính thức khi học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT. Mỗi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nếu thỏa mãn điều kiện, mỗi diện xét tối đa 20 nguyện vọng. Các nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên, nguyện vọng 1 là ưu tiên nhất, mỗi mã ngành chỉ đăng ký một tổ hợp có điểm cao nhất. Phí xét tuyển là 15.000 đồng/1 nguyện vọng. Với phương thức xét điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM, thí sinh cần đăng ký vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM (mã trường SPK) cùng lúc làm hồ sơ dự thi đánh giá năng lực.
Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp.HCM đã thống nhất sẽ công nhận điểm bài thi đánh giá năng lực của nhau để xét tuyển đại học. Theo đó, thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức có thể dùng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Nhiều giáo viên cho rằng, việc nhiều trường công nhận kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học là tín hiệu tích cực. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức thêm kỳ thi riêng không chỉ gây tốn kém mà nhiều trường đại học còn không đủ nguồn lực (con người) để làm. Chỉ có những đại học lớn, có kinh nghiệm và con người mới đủ lực để tổ chức các kỳ thi riêng. Do đó, việc các trường sử dụng kết quả của những kỳ thi này để xét tuyển là hợp lý.
Trường đại học Công nghệ Đồng Nai sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT và phương thức xét học bạ THPT cho tất cả các ngành đào tạo bậc đại học chính quy với các tổ hợp môn tương ứng. Đối với xét tuyển học bạ trường xét theo hai phương thức: xét tuyển theo học bạ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; xét tuyển theo học bạ lớp 12. Trường dành từ 50% đến 95% chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT và từ 5% đến 50% cho hình thức xét tuyển theo học bạ tùy theo ngành, tỉ lệ của từng phương thức này có thể thay đổi cho đến khi trường tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định.
Thí sinh cần chuẩn bị gì đối với xét tuyển riêng?
Nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2023, trong đó tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển riêng và giảm tỉ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) cho biết, ngay từ khi vào trường, học sinh đã được giáo viên tư vấn, hướng nghiệp. Đặc biệt với học sinh cuối cấp, những em nào có nguyện vọng thi đại học, cao đẳng thầy cô đều có những tư vấn cụ thể về ngành nghề, trường phù hợp với năng lực và sở thích của các em. Trong đó, bên cạnh việc dạy kiến thức để phục vụ thi tốt nghiệp THPT, thầy cô cũng có những chuyên đề ôn tập, các kiến thức tổng hợp để học sinh vừa học vừa ôn thi các kỳ thi riêng. Việc chuẩn bị tâm lý, kiến thức từ sớm sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội để vào đúng ngành nghề các em yêu thích.
Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, hiện nay thí sinh có rất nhiều lựa chọn vào Đại học khi được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Và với một ngành của một trường đại học, thí sinh cũng có thể đăng ký rất nhiều phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội trúng tuyển, quan trọng là các em sớm xác định được năng lực, sở thích và định hướng tương lai của bản thân. Dẫu vậy, việc các trường giảm dần việc xét tuyển phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đòi hỏi thí sinh cần cân nhắc việc tham gia thi các chứng chỉ quốc tế hoặc các kỳ thi ĐGNL, đánh giá tư duy. Tuy nhiên, khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi riêng do các trường tổ chức có mức độ kiến thức bao phủ rộng hơn ở tất cả các môn học và độ khó cũng khác… nên các thí sinh bên cạnh việc học và thi tốt nghiệp, nếu có dự định thi các kỳ thi riêng thi cần có chiến lược ôn tập hợp lý.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngân hàng câu hỏi kỳ thi ĐGNL chuẩn hóa là rất lớn nên việc theo học ở các trung tâm luyện thi không có tác dụng gì đối với thí sinh. Thay vào đó, thí sinh hãy tập trung học tập tốt trên lớp, tự xây dựng kế hoạch ôn tập và làm tốt bài thi tham khảo đã công bố sẽ đạt kết quả cao. Thống kê số lượng thí sinh dự thi đạt top 10% điểm cao năm 2022 đều là các thí sinh tự ôn tập và có kết quả học tập tốt trên lớp học.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT thông báo mã của 20 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức thứ 20 để tên là "Sử dụng phương thức khác", tức là số phương thức thực tế các trường đề ra để tuyển sinh có thể nhiều hơn. Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh và học sinh "như bị đánh đố", gây nhầm lẫn khi đăng ký.
Ngoài một số điều chỉnh trên, Bộ cho biết quy chế tuyển sinh đại học 2023 và các năm tiếp theo cơ bản giữ ổn định như 2022, nhưng được tăng cường giải pháp về mặt kỹ thuật. Bộ cũng sẽ nâng cấp hệ thống lọc ảo chung, nhằm giảm sai sót, nhầm lẫn.
Trúc Chi (theo VTC News, Vnexpress, Đại Đoàn Kết, Tuổi Trẻ)