Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực", ngoài điểm cầu Trụ sở Chính phủ, hội nghị kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh một số vấn đề thuộc điều hành vĩ mô như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thị trường bất động sản, xuất nhập khẩu... ảnh hưởng niềm tin thị trường và tâm lý xã hội nên cần được quan tâm truyền thông tới người dân, để người dân thấu hiểu.
Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, không chỉ bàn về truyền thông chính sách, mà Thủ tướng cần quan tâm hơn tới truyền thông Chính phủ. Niềm tin của người dân là yếu tố cốt lõi trong hoạt động truyền thông Chính phủ và tạo ra sự ủng hộ đối với chính sách công.
Truyền thông Chính phủ cần được cải thiện để trợ giúp Thủ tướng và Chính phủ không có bất ngờ, ngăn chặn mọi rủi ro và đảm bảo uy tín Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập tổ công tác truyền thông để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác truyền thông đối với các vấn đề nóng và quan trọng của đất nước hiện nay.
Tinh thần 5 “thật” của truyền thông chính sách
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 59 năm, ngày 31/8/1963 tại Hội nghị Tuyên huấn miền núi, sau khi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực cố gắng của cán bộ tuyên huấn trong công tác tuyên truyền.
"Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm... Chứ không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện", Bộ trưởng dẫn lại lời phát biểu của Bác và nhấn mạnh lời nói này đã trở thành triết lý trong đối với công tác tuyên truyền, nền tảng của công tác truyền thông ngày nay.
Từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo "Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực, là sức mạnh".
Thủ tướng đã chỉ đạo "Không để chiến lược trên giấy" kết hợp với tinh thần 5 Thật - Nghĩ thật, Nói thật, Làm thật, Hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật các thành quả – chỉ đạo này luôn được quán triệt, thực hiện trong ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định 5 trụ cột triết lý truyền thông chính sách của ngành. Cụ thể.
Thứ nhất, “người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc người dân" là thông điệp xuyên suốt trong mọi hoạt động tham mưu và hoạch định chính sách của toàn ngành.
Thứ hai, coi truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội là trọng tâm, là cốt lõi của nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách.
Thứ ba, coi trọng hiệu quả công tác truyền thông chính sách, từ đó tác động đến hiệu quả chính sách và hiệu quả điều hành, bám sát phương châm "5 thật" của Thủ tướng Chính phủ, đặt mục tiêu cuối cùng là người dân thực sự thụ hưởng các thành quả của chính sách.
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức của truyền thông chính sách để thích nghi với môi trường hiện đại và tiến trình phát triển.
Và thứ năm, coi trọng dữ liệu trong truyền thông chính sách. Đánh giá hoạt động tham mưu chính sách và truyền thông chính sách dựa trên dữ liệu thực chứng, nghiên cứu khoa học, thông tin báo chí và dư luận từ người dân.
Tại Hội nghị Thống kê toàn quốc ngày 18/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo coi trọng dữ liệu trong hoạt động truyền thông để đáp ứng yêu cầu "kết quả công việc năm nay phải tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước". Quản trị Chính phủ dựa trên dữ liệu, dựa trên số liệu, "số liệu nói lên tất cả" và làm sao để "số liệu thực sự biết nói".
5 giải pháp trọng tâm của ngành KH&ĐT
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh vào 5 giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm của phát triển.
Thứ nhất là áp dụng phương pháp truyền thông thích ứng. Với giải pháp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiên phong trong số ít các bộ ngành sử dụng công cụ mạng xã hội để đăng tải thông tin chính sách và hoạt động của Bộ.
Liên tục cập nhật các kinh nghiệm truyền thông quốc tế qua các kênh từ Chính phủ các nước, các chuyên gia học giả nước ngoài, các trường đại học trên thế giới, mạng lưới nhân tài người việt, mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Thứ hai, xác định các nội dung trọng điểm truyền thông hằng năm dựa trên định hướng của Chính phủ và tính hữu ích tới người dân.
Thứ ba, kế hoạch truyền thông hằng năm là căn cứ định hướng thực thi các hoạt động truyền thông chính sách. Truyền thông không chỉ là truyền đi thông tin mà còn là lưu trữ dấu ấn lịch sử; Bộ tổ chức ghi chép lại tư liệu lịch sử chi tiết hàng ngày, phản hồi của người dân thông qua Bản tin nội bộ phục vụ công tác điều hành và quản lý.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ truyền thông chuyên nghiệp ở cấp Bộ và các đơn vị trực thuộc. Thiết lập Mạng lưới các đầu mối truyền thông kết nối từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới các bộ ngành, địa phương, sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc hệ thống Chính phủ và tới các cơ quan báo chí trong nước, quốc tế.
Thứ năm, phát triển thương hiệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua truyền thông. Bộ trưởng cho biết, một chiến lược quan trọng và khác biệt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mở ra hướng tiếp cận mới, góp phần thay đổi tư duy làm chính sách và nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ.
Đó là, xây dựng hình ảnh một cơ quan nhân văn quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội và phát triển cộng đồng. “Thông điệp truyền thông của Bộ luôn lồng ghép câu chuyện người yếu thế trong các hoạt động chính sách”, Bộ trưởng nói.