Đại học (ĐH) Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM từng cảnh báo sinh viên về những hậu quả khôn lường khi vướng vào tín dụng đen. Tuy nhiên, trường vẫn ghi nhận một vài trường hợp sinh viên tìm đến tín dụng đen để vay tiền chi tiêu. Mới đây nhất là trường hợp một sinh viên năm thứ hai vướng vào bẫy này, đến khi phát hiện, số tiền nợ cả gốc lẫn lãi đã hơn 300 triệu đồng.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, ĐH Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM, cho biết trường hợp này được gia đình báo về trường để hỗ trợ cách giải quyết.
Theo lời kể của gia đình, tháng 3 vừa qua, phụ huynh có gửi hơn 10 triệu đồng để T. - sinh viên năm thứ hai, đóng học phí. Không may, em này làm mất. Vì lo sợ nên sinh viên không nói với gia đình, tự xoay xở. Đến hạn đóng học phí, T. chọn cách vay tiền tín dụng đen qua ứng dụng (app) cho vay trực tuyến có lãi suất cao với suy nghĩ sẽ chi tiêu tiết kiệm và đi làm thêm để trả nợ.
Tuy nhiên, lãi mẹ đẻ lãi con, đến hạn, sinh viên này không có đủ tiền để trả nợ. App này giới thiệu qua những app khác, cùng đường dây, để sinh viên tiếp tục vay trả nợ. Việc này cứ lặp lại thành vòng tuần hoàn trong mấy tháng qua. Đến khi số tiền nợ quá lớn, T. bị người của các tổ chức tín dụng đen nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần. Không chịu nổi, em đã thú thực với gia đình.
"Qua danh sách gia đình gửi, sinh viên này vay tiền ở hàng chục app khác nhau. Khi app này đến hạn trả tiền, không vay thêm được nữa thì giới thiệu qua app khác và đều thuộc một đường dây. Gia đình đã liên hệ và đã được luật sư cố vấn của trường hướng dẫn cách làm việc, giải quyết tình trạng này", thạc sĩ Thoa nói.
Qua sự việc này, một lần nữa, ĐH Công nghiệp thực phẩm Tp.HCM cảnh báo sinh viên tuyệt đối không tham gia vay tín dụng qua ứng dụng hoặc vay tín dụng trực tuyến với lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất do ngân hàng Nhà nước công bố. Trường hợp sinh viên đã thực hiện vay vốn tín dụng lãi suất cao cần liên hệ phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục để được hỗ trợ giải quyết.
Sinh viên tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người ngoài hoặc trên ứng dụng, diễn đàn không rõ ràng. Trường khuyến cáo toàn thể sinh viên khi gặp khó khăn đột xuất về tài chính có thể liên hệ nhà trường để được hỗ trợ.
Nếu thực sự có nhu cầu vay tiền, sinh viên cần tìm đến các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức, app cho vay đã được cấp phép. Đặc biệt, sinh viên nên chia sẻ với gia đình, nhà trường để được hỗ trợ, không nên vay từ các tổ chức, quỹ tín dụng không rõ ràng.
"Bên cạnh việc hỗ trợ để sinh viên vay vốn học tập từ ngân hàng chính sách địa phương, nhà trường còn có chính sách hỗ trợ tài chính và trong đó có hỗ trợ sinh viên gặp những khó khăn đột xuất", thạc sĩ Thoa nói.
Nạn nhân không chỉ là sinh viên
Trước đó vào ngày 14/11, báo Công an nhân dân cũng đã đăng tải về 1 trường hợp khác bị tín dụng đen khủng bố, đe dọa nhưng nạn nhân ở đây lại là giáo viên.
Theo đó, cách đây khoảng gần 1 năm, chị N.T.L.H., bắt đầu kinh doanh bán quần áo và mỹ phẩm online để kiếm thêm thu nhập. Để có vốn làm ăn, chị H. đã vay của bố mẹ hơn 60 triệu đồng để nhập hàng. Thời gian đầu, công việc tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, sau một thời gian, việc buôn bán bắt đầu chững lại, số hàng tồn nhiều, không bán được.
Đang lúc cần vốn nhập hàng mới mà không còn tiền, thấy có tin nhắn quảng cáo của một app cho vay tiền trên mạng với thủ tục dễ dàng, không cần thế chấp tài sản, chỉ cung cấp các thông tin cá nhân..., chị H. đã nhấn vào app đó để làm thủ tục vay tiền. Lần đầu, chị H. vay 5 triệu đồng với thời hạn 2 tháng.
Chỉ mấy phút ngay sau khi điền các thông tin cá nhân theo hướng dẫn của app nói trên, chị H. đã nhanh chóng được giải ngân ngay. Tuy nhiên, dù đăng ký vay 5 triệu đồng nhưng thực tế chị H. chỉ nhận được 3,5 triệu đồng, số tiền 1,5 triệu đồng còn lại được người của trang app trên giải thích là phí vay và tiền lãi tháng đầu, được chiết khấu thẳng vào số tiền vay khi giải ngân.
Tuy nhiên, sau 2 tháng, việc buôn bán vẫn ế ẩm, chưa trả được nợ và lãi vay, chị H. đã liên tục bị các đối tượng của trang app nói trên gọi điện thoại thúc trả nợ. Bọn chúng chửi bới, đe dọa tung thông tin cá nhân lên mạng và tung tin tới tận trường nơi chị công tác.
Từ số tiền vay 5 triệu đồng ban đầu, chỉ trong hơn 4 tháng, số nợ và lãi của chị H. đã bị đẩy lên thành gần 40 triệu đồng bởi trang app đã tính mức lãi suất quá hạn theo ngày cao ở mức “cắt cổ”.
Để có tiền trả nợ cho trang app này, chị H. đã phải tiếp tục tìm vay tiền của các app khác. Đến nay, do vay tiền của quá nhiều trang app “đen” nên chị H. không nhớ hết được tên của các trang app đó. Vậy là, chỉ từ việc vay khoản tiền nhỏ từ 3-5 triệu đồng của một app, đến nay tổng số tiền nợ và lãi vay chị H. phải trả đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Do liên tục bị các đối tượng gọi điện đòi nợ, bị đe dọa, khủng bố tinh thần, có một thời gian dài khoảng gần 2 tháng liền, chị H. đã phải nhập viện điều trị vì suy nhược, trầm cảm và có ý định bỏ việc.
Không những vậy, các đối tượng còn bắt đầu tấn công, khủng bố tinh thần đến những đồng nghiệp, người thân của chị H. khiến nhiều người vô cùng bức xúc và lo lắng.
Sau khi nắm được sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường đã động viên chị H. cố gắng tiếp tục công tác đảm bảo có thu nhập thường xuyên để ổn định cuộc sống, thu xếp trả nợ dần; bàn bạc với gia đình để giúp chị H. tìm hướng giải quyết nợ nần, đồng thời trình báo vụ việc đến cơ quan Công an, đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng nếu có hành vi gây mất an ninh trật tự tại trường học.
Han (t/h từ Công an nhân dân, Zing News)