Theo Avia-pro, hàng loạt vụ nổ cực mạnh làm náo động căn cứ hải quân Nga ở Tartus, Syria. Vào khoảng 22h40 (giờ Mátxcơva), ít nhất hai vụ nổ cực mạnh đã vang lên tại khu vực căn cứ hải quân Nga ở Tartus, Syria. Thông tin về vụ này được người dân địa phương nhắc nhiều.
Hiện nguyên nhân sâu xa gây nên các vụ nổ vẫn chưa rõ, tuy nhiên, đó có thể là cuộc tấn công của không quân Israel nhằm vào quân đội Syria hoặc nhắm vào tàu hải quân Iran.
“Một vài phút trước, hai vụ nổ mạnh đã xảy ra, kết quả là các bức tường trong ngôi nhà bị rung chuyển, trong khi tiếng nổ được nghe thấy khắp khu vực Tartus”, thông tin có đoạn.
Hiện tại, vẫn chưa rõ chi tiết về những gì đã xảy ra, tuy nhiên, trong gần một tuần qua, ở gần biên giới Syria, người ta đã quan sát thấy hoạt động bất thường của các máy bay trinh sát và chiến đấu của Israel, và do đó, giả thuyết về một cuộc tấn công của lực lượng phòng không Israel (IDF) vẫn được đánh giá cao. Tuy nhiên, khả năng Israel chấp nhận rủi ro và bắt đầu triển khai các cuộc tấn công vào khu vực có quân đội Nga là điều khó xảy ra.
Cho đến nay, không có bình luận chính thức nào về vấn đề này từ chính quyền Syria hay quân đội Nga.
Thăng trầm quan hệ Nga - Israel
Nga là nước ủng hộ Israel từ ngày đầu lập quốc nhưng quan hệ hai bên trải qua nhiều căng thẳng vì các vấn đề ở Trung Đông.
Quan hệ Nga-Israel trở thành tâm điểm chú ý khi Nga đổ lỗi cho Israel về vụ máy bay nước này bị phòng không Syria bắn rơi hồi năm 2018.
Nga-Israel nối lại quan hệ vào tháng 8/1986. Nga và Israel đã có nhiều cuộc họp bàn liên quan đến căng thẳng ở Trung Đông. Tháng 4/2005, ông Putin thăm Israel trong khi hai bên đang có bất đồng về việc Nga bán tên lửa phòng không cho Syria.
Hai bên cũng tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực khác. Bộ trưởng quốc phòng Nga và Israel cũng từng ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự. Thực tế, việc hợp tác đã bắt đầu từ năm 2009 khi Israel bán máy bay không người lái cho Nga.
Dẫu vậy, Israel vẫn thường xuyên bày tỏ lo ngại về việc Nga bán vũ khí cho các nước đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Iran và Syria.
Kể từ năm 2013, Israel thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công chống lại chính phủ Syria và các đồng minh của họ là lực lượng Hezbollah của Lebanon và Iran. Động thái này nhằm mục tiêu ngăn chặn Iran củng cố lực lượng và hiện diện quân sự lâu dài trên lãnh thổ Syria.
Tháng 9/2015, ông Netanyahu gặp Putin ở Moskva. Hai nước nhất trí về cơ chế phối hợp hành động quân sự tại Syria, để tránh "sự hiểu lầm" giữa các lực lượng.
Israel luôn đặt ra một “giới hạn đỏ” mà Israel kiên định giữ vững là không cho phép các loại vũ khí tân tiến được từ Iran tới Syria hay tới lực lượng Hezbollah ở Liban.
Lực lượng Không quân Israel đã triển khai triệt để chính sách này, và trong suốt cuộc chiến ở Syria họ đã nhiều lần tấn công các đoàn xe chở vũ khí. Bởi vậy, việc Nga triển khai tên lửa đất đối không S-400 là mối lo ngại đặc biệt lớn đối với Israel.
Các tên lửa S-400 có thể là rào cản lớn đối với các chiến dịch của Không quân Israel, bởi vậy, Israel cần sự đảm bảo từ phía Nga rằng các tên lửa S-400 sẽ không cản trở hoạt động của máy bay Israel ở bầu trời Syria.
Tuy nhiên, trên hết, dẫu có nhiều xung đột trong lợi ích nhưng Israel vẫn mong muốn duy trì quan hệ bền chặt với Nga.