Denise Huskins đã sống sót sau hai ngày bị bắt cóc, cưỡng hiếp vào tháng 3/2015. Tuy nhiên, thay vì vui mừng, cô và bạn trai lại bị chấn thương tâm lý khi phải đối mặt với những cáo buộc giả mạo vụ bắt cóc và dàn dựng mọi việc để được nổi tiếng. |
Denise Huskins và Aaron Quinn bị cho là dàn dựng vụ bắt cóc.
Vụ bắt cóc kỳ lạ
Sau khi trình báo cảnh sát việc bạn gái là Denise Huskins bị bắt cóc, đòi tiền chuộc, Aaron Quinn lại trở thành nghi phạm. Điều tra viên thậm chí còn nghi ngờ Aaron đã làm hại bạn gái, điều mà anh kịch liệt phủ nhận.
Cùng với đó, một cuộc tìm kiếm Denise Huskins quy mô cũng được tiến hành với hơn 100 nhân viên được đào tạo và các thiết bị hiện đại. Tuy nhiên không có manh mối nào được phát hiện.
Vào ngày 25/3/2015, hai ngày sau khi Denise được cho mà mất tích, cảnh sát bất ngờ nhận được tin Denise còn sống và hoàn toàn khỏe mạnh, được tìm thấy khi đang lang thang ở thành phố Huntington Beach, cách nhà cô hơn 640km.
Tại đồn cảnh sát, Denise khẳng định bị bắt cóc nhưng sau đó được thả ra. Cô cho biết đã bị kẻ tấn công cưỡng hiếp hai lần trong khi giữ cô để đòi tiền chuộc. Theo Denise, sau lần đầu tiên, cô nói với hắn về việc từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ với hy vọng sẽ ngăn cản hắn tiếp tục. Tuy nhiên, những lời này không có tác dụng. Khi được thả ra, Denise cho biết vẫn còn hơi choáng váng vì ma túy mà kẻ tấn công đã đưa cho cô vào ngày hôm đó.
Denise nói kẻ bắt cóc đã quay video trong cả hai lần cưỡng hiếp và đe dọa sẽ công khai đoạn phim nếu cô khai với cảnh sát về những gì xảy ra với mình và rằng hắn luôn theo dõi cô. Ngoài ra, hắn còn tiết lộ là thành viên của một tổ chức và có những gã đàn ông khác liên quan đến vụ bắt cóc này. Do đó, Denise cho biết ban đầu không định khai ra mọi chuyện vì sợ khiến bản thân, bạn trai hoặc gia đình gặp nguy hiểm.
Kẻ gửi thư giấu mặt
Sau khi nạn nhân quay về mà không hề hấn gì, cũng không cần tiền chuộc và kể lại những gì đã trải qua, cảnh sát càng trở nên nghi ngờ vì quá trình bắt cóc quá kỳ lạ.
Cuối cùng, cơ quan chức năng tuyên bố họ không tìm thấy bằng chứng nào về một vụ bắt cóc và tin rằng đây là một trò lừa bịp, tất cả chỉ là màn kịch do Denise và Aaron dàn dựng. Họ cho rằng cặp đôi có thể đã làm theo bộ phim Gone Girl, phát hành năm 2014, ngụy tạo vụ bắt cóc để thu hút sự chú ý.
Denise và Aaron sau đó đều thuê luật sư bào chữa dù liên tục khẳng đình mình không phạm phải bất kỳ hành vi sai trái nào. Cả hai nhà vật lý trị liệu này cho biết ngoài chấn thương phải chịu đựng, họ còn sợ mất việc vì cáo buộc bịa đặt vụ bắt cóc.
Trong khi cảnh sát vẫn nghi ngờ lời kể của Denise và Aaron, tờ The San Francisco Chronicle bất ngờ nhận được email ẩn danh tự nhận là kẻ bắt cóc Denise. Người này mô tả chi tiết quá trình gây án và đính kèm bức ảnh bắt cóc Denise, đồng thời khẳng định những gì Denise nói là có thật. Cô đã bị bắt cóc bởi một nhóm tội phạm tinh nhuệ đang thực hành chiến thuật của chúng.
(Còn nữa)
-------------------
Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo vào lúc 13h00 ngày 20/2 trên mục Pháp luật.
Đàm Anh (Theo People, Abc10, Theguardian)